Người có hành vi nhổ nước bọt vào mặt trọng tài vi phạm luật gì?

(PLO)- Giới bóng đá Việt Nam đang rất sục sôi về hành vi của một người đàn ông sau trận đấu của chủ sân Lạch Tray tiếp khách Bình Định đã vào khu vực làm việc của tổ trọng tài nhổ nước bọt vào trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trọng tài Hoàng Ngọc Hà đêm 19-7 khi đang hoàn tất biên bản trận đấu thì có một người đàn ông mặc áo đỏ của CĐV Hải Phòng tiến đến nói gì đó rồi nhổ nước bọt vào mặt trọng tài.

Trọng tài Hà cho biết người đàn ông này tên Trần Tiến Dũng, là một thành viên của CLB Hải Phòng, không phải là CĐV. Trọng tài Hoàng Ngọc Hà kể lại sự việc: “Sau khi kết thúc trận đấu, tôi đang đứng ký và kiểm tra sổ kỷ luật thì có một người tên là Dũng đi gần lại phía tôi và có hành động tóm cổ, nhổ nước bọt vào mặt tôi.

Hành động này rất thiếu văn hóa, gây phản cảm trước sự chứng kiến của rất nhiều người như: giám sát trận đấu, khán giả, tổ trọng tài,... Tôi đã làm đơn này kiến nghị đến ban tổ chức giải để xem xét, có hình thức kỷ luật thích đáng và quan trọng để đảm bảo an toàn tới tổ trọng tài và các thành viên ban tổ chức giải”.

Người đàn ông mặc áo đỏ sau khi phun nước bọt vào mặt trọng tài...

Người đàn ông mặc áo đỏ sau khi phun nước bọt vào mặt trọng tài...

... sau trận Hải Phòng thắng Bình Định 3-1 trong khi trọng tài Hoàng Ngọc Hà điều khiển trận đấu không có sai phạm. Ảnh: ANH THỎA.

... sau trận Hải Phòng thắng Bình Định 3-1 trong khi trọng tài Hoàng Ngọc Hà điều khiển trận đấu không có sai phạm. Ảnh: ANH THỎA.

Giám sát trận đấu Trần Quốc Dũng đã gửi báo cáo cho Ban tổ chức giải có nội dung: “Trọng tài chính kết thúc trận đấu và đang ở bàn trọng tài thứ 4 để kiểm tra lại số liệu trận đấu. Lúc này có một nhân viên của sân Lạch Tray tên là Dũng đã đi đến và có hành động nhổ nước bọt cùng những lời lẽ thiếu văn hóa đối với trọng tài chính.

Hành động của nhân viên này là rất phản cảm và vô văn hóa. Trong khi đó lực lượng an ninh làm nhiệm vụ không có mặt ai tại thời điểm đó. Tôi là người trực tiếp chứng kiến hành vi phản cảm này của nhân viên sân Lạch Tray. Kính đề nghị Ban tổ chức giải có hình thức kỷ luật thích đáng đối với nhân viên này, cũng như cần lưu ý lại công tác đảm bảo an ninh an toàn trước trong và sau trận đấu của các lực lượng làm nhiệm vụ của sân Lạch Tray”.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: “Làm nhục người khác được hiểu là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của họ. Mọi công dân đều được pháp luật bảo vệ khi bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm,… Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (thứ hai từ phải sang). Ảnh: AC.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (thứ hai từ phải sang). Ảnh: AC.

Về chế tài hành chính: theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Về chế tài hình sự: Những hành vi xúc phạm người khác mang tính chất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm,...

Về chế tài dân sự: Cá nhân bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.

Về bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm của người khác bị xâm phạm thì ngoài yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 còn có quyền yêu cầu một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.

Hành vi của người đàn ông này là xúc phạm người khác và tùy theo đánh giá mức độ nặng hay nhẹ của hành vi mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra trong lĩnh vực bóng đá còn có chế tài riêng cho CĐV hoặc nhân viên của CLB.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm