Nhiều người dân tại Móng Cái đã tự chằng chống nhà cửa để bảo vệ tài sản trước cơn bão đầu mùa, được dự đoán là mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Theo Trung tâm dự báo KTTV TW, khu vực Móng Cái là một trong những địa điểm bị ảnh hưởng nặng nhất trong bão số 2 (cùng với Đầm Hà, Hải Hà của Quảng Ninh).
Từ sáng ngày 18-7, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã ra chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại đây. Chiều tối cùng ngày, đoàn công tác của Ban chỉ đạo PCLB TW do bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu cũng đã có mặt tại Móng Cái để kiểm tra, đôn đốc công tác chống bão.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng chống bão
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh: Gần 1000 tàu thuyền, lồng bè tại Móng Cái đã về nơi neo đậu an toàn, hơn 100 đò dọc sông Ka Long cũng đã dừng hoạt động; tại huyện Hải Hà: 887 tàu thuyền, gần 400 lồng bè, chòi canh được kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. Huyện cũng đã có phương án di dời 378 nhà có nguy ngập lụt, 428 nhà yếu và 32 nhà có nguy cơ sạt lở; Tại Đầm Hà: 341 phương tiện tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn; sơ tán 52/64 người dân nuôi trồng thủy sản trên lồng bè vào đất liền an toàn; hoàn thành việc sơ tán 55 hộ có nguy cơ cao sạt lở.
Các tàu thuyền được đưa vào bến
Trước đó, sáng ngày 18-7, Ban chỉ đạo PCLB TW đã tổ chức họp khẩn để chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2. Tại đây, ông Lê Đức Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo KTTV TW, cho biết: “Dự kiến, đêm nay bão sẽ đi vào bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12, giật cấp 13-14. Đây là cơn bão rất mạnh tương đương với cơn bão Sơn Tinh năm 2012. Bão cấp 12, giật cấp 13-14 rất hiếm gặp và nguy hiểm. Trên biển không tàu thuyền nào chịu được. Đất liền cây cối sẽ gẫy đổ, nhà cấp 3-4 không chịu được, trừ nhà kiên cố”.
Cũng theo ông Hải, tâm bão có thể vào Quảng Ninh, Hải Phòng trong vòng trưa mai. Khả năng nhiều vào khu vực Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh. Vùng ảnh hưởng của bão cũng lan rộng tới Thanh Hóa với sức gió cấp 6, giật cấp 7-8. Cơn bão sẽ gây ra lượng mưa khủng khiếp tại vùng núi phía Bắc vào đêm ngày 19 và 20-7, với lượng mưa trung bình 200-300 mm, có nơi 500 mm nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khá cao tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Người dân chằng chống lại cửa nẻo
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo trước 18 giờ chiều nay, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa phải thực hiện sơ tán dân, người lao động đang sinh sống, làm việc tại các nhà chòi, nhà tạm, lều lán ở các lồng bè, đầm bãi ven biển. Nếu hộ dân nào chua di dời sẽ thực hiện việc cưỡng chế.
Sáng ngày 18-7, Ban chỉ đạo PCLB TW đã có công điện gửi các tỉnh miền núi phía Bắc (trọng tâm là các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang…) và các đơn vị liên quan để cảnh báo, triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Công điện nhấn mạnh: Do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm ngày 18-7, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to, rất to, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn với biên độ 4-6 m tại vùng thượng lưu, 2-4 m vùng hạ lưu; mực nước sông Thao, sông Lô ở báo động III. Để ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, lũ quét các địa phương đơn vị cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, rà soát, cảnh báo đến các khu dân cư đang sống ở vùng trũng thấp, ven sông, ven suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ sạt lở lũ quyét cao. Chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Kiểm soát giao thông tại bến đò, ngầm. Đảm bảo túc trực tại hồ đập, các công trình xung yếu, bảo vệ công trình xây dựng dở dang…
Trọng Phú