Luật có quy định không hay là “chuyện của trên, trên cứ làm”?
Thật ra, luật đã quy định rõ là khi quy hoạch về xây dựng hay quy hoạch đô thị thì cơ quan chức năng có trách nhiệm lấy ý kiến người dân, cộng đồng…
Cụ thể, theo Điều 16 Luật Xây dựng (về trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng) thì cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. UBND có liên quan, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong việc lấy ý kiến.
Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương có liên quan; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan ở địa phương.
Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, giải trình, tiếp thu và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cạnh đó, theo Luật Quy hoạch đô thị, cơ quan chức năng cũng phải lấy ý kiến cộng đồng khi lập, điều chỉnh quy hoạch và phải có trách nhiệm trả lời, giải trình, công khai các ý kiến…
Điều 20 Luật Quy hoạch đô thị (về trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị) quy định:
Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của luật này (chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư - PV) có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.
UBND có liên quan tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của luật này trong việc lấy ý kiến.
Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương có liên quan; UBND có liên quan có trách nhiệm lấy ý kiến theo quy định tại khoản 1 điều này.
Tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch đô thị.
Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt.
Một góc đô thị ở TP.HCM.
Cạnh đó, Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị quy định về hình thức, thời gian lấy ý kiến. Theo đó, việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Quy hoạch đô thị được hiểu là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh. |
Nhiều đề án được lấy ý kiến . Thời gian qua TP.HCM cũng đã lấy ý kiến về “Đề án thành phố thông minh” (HCMC Smart City (2017-2020, tầm nhìn 2025)). Theo đại diện Tổng Công ty Bưu chính viễn thông (VNPT, đơn vị được đặt hàng xây dựng đề án), VNPT đã xây dựng đề án và gửi các sở, ban, ngành TP góp ý. Tiếp đó, VNPT tổng hợp ý kiến của các sở, ngành, báo cáo ban điều hành tổ chức lấy ý kiến người dân, cộng đồng, chuyên gia. Đề án HCMC Smart City là phần khung đô thị thông minh, với các vấn đề tổng quát lần lượt gồm: Chính quyền điện tử, quy hoạch, giao thông, y tế và dịch vụ cho con người, an ninh công cộng, nước và nước thải, xây dựng, môi trường... Mục tiêu của TP thông minh là: Kinh tế năng động, hiệu quả hơn; môi trường sống ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm giảm; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền. . Mới đây, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết đơn vị vừa đề xuất với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phương án kiến trúc Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi đã đưa ra chín phương án lấy ý kiến cộng đồng, người dân ở khu vực Hà Nội, Đồng Nai, TP.HCM. ACV đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét ưu tiên lựa chọn phương án 7 với thiết kế lá dừa nước vì được hội đồng chấm điểm cao nhất và cũng trùng với ý kiến của cộng đồng.
Sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, Đồng Nai, dự kiến khởi công vào năm 2019. Công trình có diện tích 5.000 ha với vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất quốc gia, trong tương lai sẽ nâng tầm lên khu vực Đông Nam Á. Dự án chia thành ba giai đoạn với khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 8 tỉ USD (tương đương 165.000 tỉ đồng)… |