Tro bay, xỉ than, xỉ đáy, than bùn được doanh nghiệp mua về, nghiền và phối trộn để làm gạch hoặc sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng. Nguồn lợi từ các chất thải này khá lớn đang khiến cho nhiều bên muốn "độc quyền" thu mua từ các nhà máy Alumin.
Người dân lo nước rỉ từ bãi xỉ than gây ô nhiễm
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, 69 tuổi, người dân ngụ tổ 20, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hiện nay có đơn vị, tổ chức sản xuất tái chế chất thải (xỉ than) đã qua sử dụng của Nhà máy Alumin nhôm Lâm Đồng (thuộc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng -TKV) ngay bên cạnh hàng rào phía sau nhà máy.
Bãi chứa xỉ than này hoạt động cả ngày lẫn đêm từ nhiều năm nay. Chất bụi than gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với hoa màu, vật nuôi, con người và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Khu vực này có hơn 70 hộ và hơn 300 nhân khẩu sinh sống, việc bãi xỉ than thường xuyên xả thải các chất cặn bã ra bên ngoài khiến người dân rất lo lắng.
“Hồ B'Lá 1 có cá chết nổi trôi, nước hồ có màu đen xanh. Người dân chúng tôi cũng có ý kiến nhiều rồi nhưng không có cơ quan nào giải quyết” - ông Dũng bức xúc.
Từ phản ánh của người dân, đầu tháng 10, phóng viên có mặt tại tổ 20, thị trấn Lộc Thắng và ghi nhận có bãi chứa xỉ than lộ thiên nằm phía sau nhà máy Alumin thuộc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng -TKV.
Bãi chứa xỉ than này được xác định là của Công ty Cổ phần ITASCO - Lâm Đồng có trụ sở chính ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Bên trong khuôn viên rộng tập kết xỉ than (khí hóa), chúng tôi ghi nhận có xỉ than sau nghiền đổ thành từng đống trên nền đất, không được che chắn.
Công ty nói xỉ than không phải là chất thải nguy hại
Theo ông Dũng, từ nhiều năm nay nhà ông cũng như nhiều hộ dân trong tổ 20 phải mua nước bình để ăn uống, còn nước giếng chỉ để giặt giũ và tắm rửa.
Từ phản ánh của người dân tổ 20, tháng 6-2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - Nguyễn Trung Thành đã giao Phòng TN&MT chủ trì phối hợp với công an huyện, ban quản lý dự án tổ hợp Bauxit nhôm Lâm Đồng, UBND thị trấn Lộc Thắng khẩn trương kiểm tra tình trạng xả thải gây ô nhiễm phía sau nhà máy Alumin và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm thời điểm đó xác định có tình trạng nước màu đen chảy tràn từ bãi chứa xỉ than của Công ty ITASCO ra ngoài phạm vi bãi chứa. Cơ quan chức năng huyện đã có văn bản yêu cầu phía công ty có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, tình hình không có nhiều thay đổi cho đến nay.
Mới đây ngày 30-9, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Đức Thái – Phó Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết đến nay công ty chưa nhận được bất cứ đơn thư phản ánh nào từ các hộ dân về vấn đề gây ô nhiễm.
“Nếu công ty có nhận được đơn từ người dân sinh sống quanh khu vực nhà máy Alumin hoặc bãi chứa xỉ than của Công ty ITASCO thì sẽ trực tiếp đối thoại ngay. Người dân chỉ mới có đơn thư tới cơ quan quản lý nhà nước, chứ không gửi tới công ty nhôm” - ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, trong quá trình vận chuyển xỉ than từ nhà máy ra bãi chứa của Công ty ITASCO, các bộ phận đều kiểm tra là đã phủ bạt hay chưa rồi mới qua cổng bảo vệ, kiểm soát. Các xe sau khi được xác định đã phủ bạt đầy đủ mới được ra khỏi nhà máy.
"Trong quá trình di chuyển đều chạy ở tốc độ bình thường vì đây là khu dân cư. Do đó, việc gây thải bụi trong việc di chuyển gần như không có. Nếu có cũng chỉ là một lượng nhỏ, không đáng kể" - ông Thái nói thêm.
Về việc nước ô nhiễm tràn ra môi trường, ông Thái giải thích quá trình lưu trữ tại bãi khi trời mưa có nước tràn ra thì có các rãnh xung quanh. “Còn việc khi mưa xuống nước tràn ra thì công ty xác định là có và đang thực hiện việc cho máy múc vào đắp bờ để khắc phục” - ông Thái cho biết.
Về xỉ than, theo ông Thái ngoài việc phục vụ sản xuất gạch không nung, xỉ than này còn được sử dụng làm vật liệu san lấp đồng thời khẳng định xỉ than từ nhà máy Alumin là chất thải thông thường, không phải là chất thải nguy hại.
Chiều 12-10, trao đổi với PLO, lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết đã nắm được vụ việc cũng như những phản ánh của người dân tổ 20 liên quan đến vấn đề trên.
Qua làm việc với Cổ phần ITASCO-Lâm Đồng, lãnh đạo huyện Bảo Lâm xác định nguồn nước có màu đen chảy ra ngoài phạm vi dự án theo phản ánh là có. Việc phát sinh nguồn nước có màu đen là do Công ty ITASCO tập kết xỉ than (khí hóa), xỉ than sau nghiền trên nền đất, không được che chắn dẫn đến khi có mưa lớn, chưa có hệ thống mương thu nước mưa đủ điều kiện dẫn đến lượng xỉ than bị hòa lẫn với nước mưa chảy tràn ra các khu vực lân cận.
"Sau khi kiểm tra, UBND huyện Bảo Lâm đã yêu cầu Công ty Cổ phần ITASCO thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với khu vực tập kết xỉ than của công ty" - UBND huyện Bảo Lâm cho biết thêm.
Về nội dung nói trên, sáng 13-10, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Hữu Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần ITASCO cho biết, từ giữa năm 2023 đến nay, công ty đã đón 6 đoàn kiểm tra của UBND huyện Bảo Lâm, Công an tỉnh Lâm Đồng, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát nhà máy Alumin (Công ty Nhôm Lâm Đồng), Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Lâm Đồng ...
Tại các buổi kiểm tra, các đoàn đã có biên bản, trong đó yêu cầu công ty khắc phục một số tồn tại.
"Hiện công ty đã xây dựng 2 hồ thu gom nước mưa bằng hồ bạt loại tốt, đồng thời bố trí bạt che phủ các đống xỉ thu mua về để đảm bảm môi trường theo yêu cầu khắc phục của các đoàn kiểm tra", ông Đức cho biết thêm.
Cũng theo ông Đức, do hệ thống máy làm gạch không nung trước đây đã cũ, nên hiện tại công ty đã đầu tư hệ thống làm gạch mới để sản xuất gạch từ tro, xỉ than.
Hiện nay Công ty ITASCO vẫn thực hiện việc mua tro bay, xỉ than, xỉ đáy, than bùn từ Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng-TKV theo hợp đồng số 789/2021/HĐ-LDA. Sau đó, công ty sử dụng nguồn nguyên liệu này nghiền và phối trộn bán cho các cơ sở sản xuất gạch tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh hoặc cơ sở xây dựng làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Theo báo cáo, tổng khối lượng tro bay, xỉ than, xỉ đáy, than bùn hàng tháng công ty nhập khoảng 5260 tấn. Cụ thể: xỉ than (khí hóa): 600 tấn, tro bay (bột mịn): 3000 tấn, xỉ đáy (đá mịn) 1500 tấn, than bùn rửa: 40 tấn, bã vôi: 120 tấn. Thành phẩm xuất bán sau phối trộn khoảng: 1315 tấn/tháng.