Người dân nhộn nhịp trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ tết

Ngày 6-2, người dân, khách du lịch từ các tỉnh, thành ùn ùn quay lại TP.HCM sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Năm nay tình trạng ùn ứ được ghi nhận tại các điểm nóng như sân bay Tân Sơn Nhất, cung đường từ miền Tây đi TP.HCM, các cửa ngõ TP.HCM.

Nhiều đường bay đến TP.HCM “cháy vé”

Từ mùng 4 tết (tức ngày 4-2) đã có hàng chục ngàn lượt khách từ các tỉnh, thành đổ về sân bay Tân Sơn Nhất.

Những ngày này, sân bay lớn nhất cả nước khai thác khoảng 650-700 chuyến/ngày, trong ngày cao điểm có khoảng 97.000 khách đến/đi.

Trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết riêng ngày 6-2, lượng khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất đạt kỷ lục với hơn 100.000 khách. Đây là năm thứ hai sân bay này có lượng khách đạt 100.000 khách/ngày vào dịp cao điểm tết.

Đặc biệt, từ ngày 5 đến 8-2, nhiều đường bay “cháy vé”. Khảo sát nhanh từ các phòng vé trực tuyến cho thấy các đường bay từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng đi TP.HCM trong nhiều ngày sau tết đã không còn vé.

Năm nay lượng khách đi xe máy đến gửi tại nhà xe ở sân bay Tân Sơn Nhất tăng đột biến. Vì thế, bãi giữ xe TCP với thiết kế chứa đến 6.000 xe máy không còn chỗ để, phải đậu tràn ra ngoài sân.

Các đại lý vé nhận định họ khá bất ngờ vì tình trạng “cháy vé” giai đoạn cao điểm tết năm nay. Lý giải về hiện tượng này, các đại lý cho rằng do tổng lượng vé bán ra năm nay của các hãng cũng không nhiều, khoảng 2,8 triệu vé. Trong khi đó, người dân có nhu cầu trở lại các tỉnh, thành phía Nam rất cao.

“Đây là tín hiệu vui đối với ngành hàng không khi lượng khách đã đi lại đông sau thời gian đìu hiu do lo ngại dịch bệnh” - chị Nguyễn Hoa, chủ một đại lý vé, nhận xét.

Dòng xe kẹt cứng trên một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: THU TRINH 

Đường từ miền Tây về TP.HCM nhiều nơi tắc nghẽn

Ngay từ sáng 6-2, nhiều tài khoản Facebook đã chia sẻ tình trạng kẹt xe tại một số cung đường từ miền Tây đi TP.HCM.

Điển hình tại dốc cầu Tuyên Nhơn, Thạnh Hóa, Long An nằm trên tuyến đường N2 bị ùn ứ rất nặng. CSGT phải cố gắng điều tiết dòng xe ùn ùn như thác đổ xuống dốc cầu.

Theo ghi nhận, tại khu vực cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang trên quốc lộ (QL) 60 liên tục bị tắc nghẽn.

Trước tình trạng kẹt xe cầu Rạch Miễu, nhiều người đã chọn hướng đi phà tạm Rạch Miễu, cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 10 km.

Theo Trung tâm Quản lý phà và Bến xe Bến Tre, trong dịp tết Nguyên đán này, tại bến phà tạm Rạch Miễu được bố trí bốn phà hoạt động liên tục để đưa người và xe qua sông Tiền.

Trên tuyến QL1 đoạn qua huyện Cái Bè, Tiền Giang cũng xảy ra ùn ứ. Tại ngã ba An Thái Trung - nút giao QL1 và QL30, điểm cuối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, Tiền Giang) xảy ra ùn ứ nghiêm trọng kéo dài đến cầu An Hữu.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết trong sáng và trưa mùng 6 tết, lượng xe từ các tỉnh miền Tây đổ dồn về hướng TP.HCM tăng cao khiến giao thông khu vực ngã ba An Thái Trung xảy ra ùn ứ kéo dài.

“Đơn vị chức năng đã bố trí lực lượng làm nhiệm vụ túc trực xuyên suốt tại “điểm nóng” ngã ba An Thái Trung để điều tiết, phân luồng giao thông” - Thượng tá Dũng cho biết.

Cửa ngõ TP.HCM nhộn nhịp

Ghi nhận của PV tại khu vực cửa ngõ ở phía đông vào trung tâm TP.HCM ùn ứ nặng tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Lượng ô tô rất đông khiến cao tốc này kẹt xe nghiêm trọng, nhất là tại khu vực trạm thu phí Long Phước.

Tương tự, QL20, đèo Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng (hướng về TP.HCM) cũng trong tình trạng tắc nghẽn do người dân và khách du lịch từ Đà Lạt đổ về TP.HCM rất đông.

Tại khu vực cửa ngõ miền Tây, các tuyến đường rất đông đúc vào buổi chiều. Các tuyến vào TP.HCM như Kinh Dương Vương, QL50 - Tùng Thiện Vương… đến hơn 16 giờ từng dòng xe đông đúc, tấp nập di chuyển khiến một số đoạn bị ùn ứ.

Anh Nguyễn Văn Thuận (quê Long An) cho biết bắt đầu từ trưa mùng 6 dòng xe ùn ùn đổ về TP.HCM nên xảy ra tình trạng ùn ứ. Theo anh, tình trạng ùn ứ sẽ còn diễn ra vào vài ngày tiếp theo.•

Các bến xe thông thoáng

Chiều 6-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bến xe Miền Tây cho biết: “Năm nay, tình hình không đông như năm ngoái, mọi thứ ổn định hơn. Bởi năm nay, đến ngày 14-2, học sinh, sinh viên mới học trực tiếp nên không có tình trạng quá tải ở bến xe như mọi năm”.

Bến xe Miền Tây cho biết thêm tình hình phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 mới nhất trong ngày có gần 1.000 xe (so với cùng kỳ đạt 78,24%) với 11.725 khách (so với cùng kỳ đạt 57,90%). Bến xe đã chuẩn bị rất kỹ các phương án phòng chống dịch cũng như giải tỏa lượng khách nếu có tình trạng quá tải.

Tại Bến xe Miền Đông, lượng khách trở về TP.HCM vắng hoe. Cả khu vực sảnh bán vé và trả khách hầu như chỉ có lác đác vài khách.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bến xe Miền Đông cho biết trong sáng 6-2 có khoảng 400 xe từ các địa phương đưa người trở lại TP.HCM làm việc. Dự kiến người dân sẽ trở lại TP.HCM trong đêm nhiều hơn. Bến xe cũng đã chuẩn bị các phương án để đảm bảo phòng chống dịch cũng như an toàn đi lại.

 

Các bến xe miền Trung thông thoáng

Sau kỳ nghỉ tết Nhâm Dần 2022, tại một số bến xe khách ở miền Trung không xảy ra tình trạng quá tải như những năm trước.

Theo ghi nhận, sáng 6-2, tại Bến xe Đông Hà (Quảng Trị) và Bến xe Huế (Thừa Thiên-Huế) có nhiều xe khách xuất phát vào các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên. Tuy nhiên, không khí khá thông thoáng, không còn nhộn nhịp, ùn tắc như những năm trước.

Một nhân viên bán vé tại bến này thông tin, số người mua vé giảm so với mọi năm, đặc biệt là các tuyến ngắn như Đông Hà - Huế, Đông Hà - Đà Nẵng.

khá đông người dân miền Trung sử dụng ô tô để trở lại các TP lớn sau kỳ
nghỉ tết. Ảnh: ND

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Huế, cho biết lượng khách đến bến đi xe năm nay giảm khoảng 1/3 so với năm trước. Nếu như các năm tại Bến xe phía Nam TP Huế bắt đầu từ mùng 4 tết đã có trên 150 xe xuất bến mỗi ngày và xe nào cũng đầy khách thì năm nay còn khoảng 50 xe xuất bến mỗi ngày.

Vào mùng 6 tết, lượng khách đã bắt đầu đông hơn, một số phòng vé tại Bến xe phía Nam đã bán được khoảng 80% vé. Tuy nhiên, các ngày sau đó như các mùng 7, 8, 9 hầu như chưa bán được nhiều vé.

Theo quan sát của PV, năm nay lượng người di chuyển bằng xe máy và ô tô cá nhân về quê ăn tết khá đông. Từ mùng 5 đến mùng 6 tết, trên tuyến quốc lộ 1A rất đông người đi xe máy và ô tô con trở về các TP lớn làm việc sau thời gian nghỉ tết.

Tương tự, ghi nhận của PV vào trưa mùng 6 tết, tại Bến xe Quảng Nam (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) khá vắng vẻ. Đông hơn hết là các tuyến xe buýt cố định hoạt động phục vụ số ít khách di chuyển gần. Trên tuyến đường Nguyễn Hoàng - nơi mọi năm người dân đứng đón xe đường dài vào Nam rất đông thì năm nay chỉ lưa thưa vài người.

Còn tại ga Tam Kỳ, sau kỳ nghỉ tết, người dân Quảng Nam bắt đầu di chuyển trở lại các tỉnh, thành phía Nam để tiếp tục làm việc.

Anh Nguyễn Minh Quốc (tài xế taxi tại ga) cho biết khách đi tàu chủ yếu vào các khung giờ trưa và tối. “So với những năm trước, khách đi tàu vẫn còn ít hơn rất nhiều. Tuy nhiên, so với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát thì lượng khách khá cao, mỗi chuyến có vài chục khách lên tàu” - anh Quốc nói.

Nhân viên phục vụ tại ga Tam Kỳ cho hay bắt đầu từ mùng 2 tết, ga Tam Kỳ đông dần người đến mua vé. Hầu hết khách đến mua vé đi vào các tỉnh, thành phía Nam. Ngoài ra, năm nay lượng khách mua vé tàu đi từ Quảng Nam ra các tỉnh, thành phía Bắc đông hơn hẳn.

“Mặc dù có thể mua vé tàu online nhưng ga Tam Kỳ vẫn đông người đến mua. Khả năng cao do dịch hoặc tâm lý chủ quan nên người dân đợi đến lúc đi mới mua vé. Ngoài ra, nhiều người tranh thủ mua sớm vì sợ hết vé, từ mùng 5 đến mùng 8 tết, lượng vé tàu vào Nam bán ra gần như đã hết sạch” - nhân viên này nói.

NGUYỄN DO - THANH NHẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới