Người dân TP.HCM chỉ muốn đổi giờ học 15 phút

Sáng 8/2, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch lệch ca lệch giờ với sự tham gia của hầu hết các sở ngành liên quan.

Theo ông Xê, TP.HCM đã từng triển khai việc đổi giờ học, giờ làm, nhưng chưa triển khai đồng bộ đến mọi đơn vị hành chính sự nghiệp. Tại một số trường học, cách làm này đã cho kết quả khả quan.

TP.HCM đã đề xuất điều chỉnh giờ học của 3 nhóm đối tượng tiểu học, THCS, THPT muộn hơn 15 phút so với quy định giờ ra vào hiện tại. Về phương án lệch giờ học, chỉ có học sinh các trường tiểu học và THCS được điều chỉnh giờ vào học và giờ ra về muộn hơn 15 phút so với hiện tại.

Theo đó, bậc tiểu học buổi sáng không điều chỉnh, buổi chiều bắt đầu vào học từ 13h15 và ra về lúc 16h45. Học sinh các trường THCS vào học buổi sáng lúc 7h15 và ra về lúc 11h30, buổi chiều từ 13h15 đến 17h15.

Tuy nhiên, biện pháp này được các chuyên gia và lãnh đạo thành phố khẳng định không phải là biện pháp căn cơ, duy nhất và tác động ngay tức thời mà cần thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp khác mới mong kéo giảm ùn tắc giao thông.

Sau khi biết thông tin này, nhiều người dân sẽ chịu ảnh hưởng của việc thay đổi giờ đã lên tiếng.

Ông Trần Sĩ Thành (ngụ quận Gò Vấp) có cháu đang là học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) cho biết: “Kẹt xe là nỗi ám ảnh tại TP này, nên nếu có giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng này thì tốt quá. Có thể phải mất một thời gian để quen dần với thời khóa biểu mới, nhưng nếu thay đổi tịch cực thì bậc phụ huynh chúng tôi rất sẵn sàng”.

Trong khi đó, chị Thu Nga, ngụ tại quận 1 cho hay: “Thay đổi giờ học của con em 15 phút thì không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của gia đình. Các cháu chỉ cần thức dậy sớm hơn, nhưng bù lại khi đi đường sẽ thông thoáng và đỡ vất vả hơn cho bố mẹ trong việc đưa rước".


Nhiều em học sinh khi được hỏi, ủng hộ phương án thay đổi giờ học của TPHCM
Chịu ảnh hưởng trực tiếp là học sinh có nhà ở xa trường và phải đi học bằng xe buýt, sợ trễ giờ học. Em Đào Duy Chương HS lớp 10, trường ở Q.3, nhà ở Q.Tân Phú cho rằng: “Bình thường em phải đi học lúc 5h45, đến trường có khi không kịp ăn sáng đã phải vào học ngay. Nếu thay đổi giờ học nữa, phải dậy sớm hơn, nhưng mỗi người chịu khó một chút, chứ tụi em ngán nạn kẹt xe lắm rồi …".

Ông Tống Phước Lộc, hiệu phó trường THPT Nguyễn An Ninh
Còn theo ông Tống Phước Lộc, phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn An Ninh (Quận 10) nhà trường đã thực hiện thay đổi lệch giờ từ vài năm trước, quy định giờ vào học của học sinh khối buổi sáng là 6h30 ra về lúc 11h15, chiều học lúc 12h30 về lúc 17h10 nhờ vậy mà trật tự an toàn luôn được đảm bảo. “Chúng tôi kết hợp với lực lượng dân phòng và công an phường trong việc quản lý an ninh. Đến giờ tan học, cán bộ dân phòng sắp xếp cho phụ huynh đến rước con đậu xe  ngay ngắn trên lề đường, khuyến khích phụ huynh đậu xe cách xa cổng trường để tránh ùn tắc”. Ông Lộc cho biết thêm: “Nay nếu áp dụng phương án học lệch giờ trên phạm vi TP, chúng tôi sẽ có nhiều thuận lợi khi áp dụng. Trường sẽ ủng hộ và làm tốt phương án mới này”.   Còn Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết: Trường chúng tôi cũng đã phân giờ học của sinh viên thành 3 ca, bắt đầu sớm nhất lúc 6h00 sáng và kết thúc trễ nhất lúc 22h30, lịch học này đã giảm tải rất nhiều cho tuyến đường Nguyễn Văn Bảo, Lê Quang Định (Q.Gò Vấp). “Lịch học hiện tại của sinh viên ở trường đã rất phù hợp, nếu có thay đổi thì nhà trường sẽ linh động trong việc sắp xếp ca học, sao tiện lợi nhất cho sinh viên, trong khi vẫn đảm bảo trật tự an toàn giao thông chung của TP" – ông Lộc nói.
Theo Thanh Hiếu - Trương Khởi (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới