Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần đã để lại niềm thương tiếc vô hạn đối với người dân cả nước nói chung và cán bộ, đảng viên, người dân TP.HCM nói riêng.
Để thể hiện lòng biết ơn của nhân dân TP.HCM với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều cơ sở, đơn vị trên địa bàn TP đã lập nên nhiều không gian tưởng niệm để người dân, cán bộ có thể gửi gắm cảm xúc, tình cảm dành cho ông.
Xúc động dâng hương tưởng niệm bác Trọng
Có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), ông Nguyễn Văn Mạnh (74 tuổi) cùng gia đình đã đi gần 20 km từ nhà ở huyện Bình Chánh đến chùa thắp nén hương cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhìn di ảnh của Tổng Bí thư, ông Mạnh không nén được xúc động.
Ông Mạnh kể niềm tin, sự kính yêu của ông với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dần lớn hơn qua những tin tức thời sự về cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và khi nhìn thấy đất nước phát triển hơn từng ngày.
“Tổng Bí thư là một người liêm chính, chí công vô tư. Không đến được Hà Nội nên nay nghe tin ở chùa Vĩnh Nghiêm có để di ảnh Tổng Bí thư nên nhà tôi lên đây thắp nén hương tưởng nhớ ông. Tổng Bí thư tuy đã ra đi nhưng ông đã để lại một di sản lớn cho đất nước” - ông Mạnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (ngụ quận Tân Phú) cho biết cũng tranh thủ ngày cuối tuần đến chùa Vĩnh Nghiêm thắp nén hương tri ân đến Tổng Bí thư.
“Tôi đã theo dõi con đường Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi suốt nhiều năm qua, bác là người lãnh đạo đáng quý và được nhân dân kính yêu, ngày nghe tin bác mất tôi như lặng đi. Tôi thắp nén hương này để gửi đến bác lời cảm ơn vì đã giúp đất nước, giúp người dân TP.HCM có đời sống ngày càng tốt hơn” - bà Bích gửi gắm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phục Hy (28 tuổi, ngụ quận 4) cho biết đã ngồi đợi trước hiên chùa Vĩnh Nghiêm để đến giờ được vào dâng hương cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trò chuyện với chúng tôi, mắt anh rưng rưng bảo từ hôm nghe tin bác Trọng mất đến nay, cứ nghĩ đến hay thấy hình ảnh về ông anh lại xúc động. "Bác đã cống hiến cả đời mình cho đất nước, sức tôi nhỏ bé chỉ biết đến đây thắp nén hương để tri ân những gì bác đã làm”- anh Hy chia sẻ.
Sáng 23-7, PV ghi nhận di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được dời lên Chánh điện của chùa. Trước di ảnh, rất đông người dân TP.HCM và các tỉnh, thành xúc động, kính cẩn nghiêng mình mặc niệm, tưởng nhớ người lãnh đạo đã dành trọn cuộc đời cho nước cho dân.
Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm, một số ngôi chùa tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12) đã treo rủ cờ, lập bàn thờ trang nghiêm để người dân và cán bộ đến viếng, bày tỏ lòng tiếc thương.
Tại chùa Thiên Minh, từ sớm khuôn viên chùa đã được các sư cô quét dọn sạch sẽ, không khí chùa tĩnh lặng, trước cổng chùa là hình ảnh lá cờ Tổ quốc được treo rủ xuống.
Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt giữa sảnh chánh điện, xung quanh được bày trí vòng hoa ngay ngắn. Cách vài ba tiếng, các sư cô sẽ đến kiểm tra đèn, nhang và quét dọn xung quanh. Mỗi chiều, người dân địa phương sẽ về đến thắp hương, cùng các sư cô đọc kinh cầu siêu.
Ngoài ra, một số ngôi chùa khác như Tân Thành, Long Thành, Hòa Ngọc, Quảng Đức (Trung Mỹ Tây) cũng lập bàn thờ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khắp nơi đến viếng, tưởng nhớ sâu sắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một số cơ sở mần non, nhà dân trong hẻm tại quận 12 đã treo cờ rủ, hạn chế các hoạt động vui chơi để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lập không gian tưởng niệm tại trụ sở UBND phường
Còn tại quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ phường 9) không khỏi xúc động khi ngay phường mình sống có một không gian tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Không gian tưởng niệm được thực hiện rất trang trọng, tôi nghĩ đây là việc cần thiết để người dân có thể ghi nhớ công ơn của Tổng Bí thư giúp đất nước phát triển như ngày hôm nay” - ông Minh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Bí thư Đảng uỷ phường 9, quận Phú Nhuận, cho biết khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được phường hoàn thành vào ngày 22-7 và đã đón nhiều cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn phường đến tham quan, tưởng niệm bác.
“Việc xây dựng khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ngay cạnh và có sự kết nối với không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Đây là nơi để cán bộ, đảng viên, nhân dân phường 9 thể hiện tình cảm với bác Trọng” - bà Thảo gửi gắm.
Cũng theo bà Thảo, những đầu sách, tư liệu được trưng bày tại không gian tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tích lũy từ nhiều nguồn chính thống khác nhau. Đặc biệt có những tư liệu, sách, tạp chí do chính cán bộ đóng góp.
Ngoài khu tưởng niệm Tổng Bí thư được đặt tại trụ sở UBND phường 9, lãnh đạo phường cũng đã chỉ đạo xây dựng các trang mạng xã hội, trong đó có trang “Công dân Phường 9” trên mạng xã hội Facebook, để cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn phường có thể bày tỏ tình cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dịp này, các phường 1, 3, 8, 13 của quận Phú Nhuận cũng xây dựng không gian tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở UBND các phường để cán bộ, người dân trên địa bàn có thể gửi gắm cảm xúc, tình cảm dành cho bác.
Tại TP.HCM, lễ viếng, lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức từ 7 giờ - 22 giờ ngày 25-7 và từ 7 giờ - 13 giờ ngày 26-7 tại Hội trường Thống Nhất, dinh Độc Lập.
Trong hai ngày Quốc tang, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.