Ngày 21-2, cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho bộ phận người thuộc đẳng cấp thấp ở bang Haryana (miền Bắc Ấn Độ, giáp thủ đô New Delhi) đã đến ngày thứ ba.
Hãng tin Press Trust of India (Ấn Độ) cho biết cộng đồng người đẳng cấp thấp Jat bắt đầu biểu tình từ ngày 19-2, đòi quyền lợi cho những người thuộc tầng lớp thấp về việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi, thể chế ở cấp bang và cấp chính phủ.
Hiến pháp Ấn Độ có quy định một chương trình hành động tích cực cho bộ phận người thuộc đẳng cấp thấp nhằm giúp họ bớt bị phân biệt đối xử.
Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực khi cuộc đàm phán giữa đại diện chính phủ và các lãnh đạo cộng đồng Jat trong ngày 19-2 không có kết quả.
Cuộc biểu tình tại bang Haryana biến thành bạo lực ngày 19-2. Ảnh: AP
Người biểu tình đốt xe, phá cửa hàng, phóng hỏa một số ga đường sắt ở nhiều thị trấn trong bang Haryana. Các tuyến đường bộ, đường sắt trong khu vực và một kênh đào cung cấp 70% nhu cầu nước cho thủ đô New Delhi bị phong tỏa. Hai nhà máy của hãng sản xuất xe hơi lớn nhất Ấn Độ Maruti Suzuki India Ltd. ở bang Haryana phải đóng cửa và đến ngày 21-2 vẫn chưa hoạt động lại.
Cộng đồng người tầng lớp thấp Jat phong tỏa quốc lộ nối bang Haryana với thủ đô New Delhi trong ngày 20-2. Ảnh: AP
Quân đội điều trực thăng chở 3.000 binh sĩ đến bang Haryana giải tán biểu tình. Binh sĩ được quyền áp đặt lệnh giới nghiêm và được phép bắn không cần cảnh cáo để dẹp yên biểu tình. Người biểu tình tấn công cảnh sát và binh sĩ bằng gậy và đá. Xung đột giữa người biểu tình với binh sĩ và cảnh sát trong hai ngày 19, 20-2 khiến sáu người biểu tình thiệt mạng, 78 người bị thương.
Binh sĩ Ấn Độ trên quốc lộ nối bang Haryana với thủ đô New Delhi trong ngày 20-2. Ảnh: AP
Năm 2015, tại bang Gujarat - quê hương Thủ tướng Narendra Modi cũng xảy ra vụ việc tương tự khi cộng đồng người đẳng cấp thấp Patel biểu tình đòi quyền lợi về việc làm và giáo dục.