Người dùng điện, nước coi chừng bị phạt ‘khủng’

Khi sửa lại căn nhà mới mua, chị Th. (tạm trú phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) mới phát hiện cả đồng hồ nước lẫn đồng hồ điện đều bị đứt niêm chì. Không biết phải xử lý ra sao, chị Th. phản ánh vụ việc đến báo Pháp Luật TP.HCM nhờ giải đáp. Đây cũng là tình huống rất nhiều người sử dụng điện, nước gặp phải.

Nhiều vi phạm khách hàng không biết

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, cho rằng trong tình huống cụ thể nêu trên, người chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc là người ký hợp đồng sử dụng điện, nước. Do đó, người mua nhà có thể thỏa thuận với chủ nhà cũ để cùng giải quyết. Bà Tâm cho hay trong quá trình hoạt động công ty cũng thường xuyên gặp phải các tình huống tự ý di dời đồng hồ nước hay những tình huống làm đứt niêm chì đồng hồ nước..., trong đó có những tình huống dẫn đến tranh cãi gay gắt. “Ví dụ như có trường hợp khách hàng cho rằng niêm phong chì đồng hồ nước bị đứt là do chó cắn, là sự cố xảy ra khách quan nên họ không chịu trách nhiệm bồi thường” - bà Tâm dẫn chứng.

Theo bà Tâm, việc niêm phong đồng hồ nước bị chó cắn đứt cũng là do bảo quản không tốt… Các lỗi này đều là do yếu tố chủ quan nên khách hàng phải chịu trách nhiệm. “Vì đồng hồ để ở nhà dân và người dân phải có trách nhiệm bảo quản. Do đó các trường hợp làm đứt niêm chì, nếu xác định là do yếu tố chủ quan thì khách hàng phải chịu trách nhiệm đóng tiền để thay đồng hồ mới. Những trường hợp nếu phát hiện số lượng nước tiêu thụ bất thường thì công ty sẽ xác định khối lượng nước bị hao hụt và tiến hành truy thu” - bà Tâm nói.

Bà Tâm giải thích thêm: “Ví dụ, trung bình mỗi tháng khách hàng A sử dụng hết 20 m3 nước nhưng thời điểm đồng hồ nước bị đứt niêm chì, phát hiện khối lượng nước tăng lên gấp đôi thì ngoài yêu cầu đóng tiền thay đồng hồ nước mới, công ty sẽ tiến hành truy thu tiền đối với lượng nước tăng lên bất thường này”.

Một lãnh đạo công ty cấp nước khác trên địa bàn TP cũng cho biết có nhiều trường hợp vi phạm về sử dụng nước nhưng khách hàng không biết. Điển hình nhất là việc gắn máy bơm nước lên bồn để sử dụng khi nước yếu. “Hành vi này bị xử lý vì nó làm xáo trộn, ảnh hưởng đến áp lực nước trong khu vực và gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước. Nếu áp lực nước yếu, người dân có thể xây bồn chứa dưới thấp rồi bơm nước từ bồn chứa này lên cao thì không vi phạm” - vị lãnh đạo công ty cấp nước giải thích.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, nhiều người dân thừa nhận họ không biết các vi phạm về sử dụng nước, nhất là việc dùng máy bơm bơm nước lên bồn. “Khi xây nhà, đơn vị thi công họ gắn máy bơm và dặn khi nào nước yếu không chảy lên bồn được thì bơm lên. Mình không biết việc này là vi phạm quy định về cấp nước” - chị M., chủ nhà mới xây ở quận 6, phân trần.

Một trong những vi phạm phổ biến nhưng khách hàng không biết là hành vi bơm hút trực tiếp từ đường ống dẫn nước. Ảnh: CL

Việc tự ý di dời đồng hồ điện có thể bị phạt đến 7 triệu đồng. Ảnh: KB

Tự dời đồng hồ điện, phạt đến 7 triệu đồng

Liên quan đến các tình huống vi phạm trong quá trình sử dụng điện, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMPC) cho biết đối với hành vi làm đứt niêm chì thì vận dụng Luật Đo lường để xử lý. “Công tơ điện phải được kiểm định, niêm chì trước khi đưa vào lắp đặt cho khách hàng sử dụng nhằm bảo đảm việc đo đếm chính xác cũng như phòng ngừa việc can thiệp, tác động từ bên ngoài làm công tơ đo đếm sai lệch. Do đó, các trường hợp tác động đến công tơ điện làm hư hỏng niêm chì phải được xử lý” - đại diện EVNHCMPC giải thích.

Vị đại diện giải thích các tình huống như khách hàng vô ý làm đứt niêm chì, còn các bộ phận khác của công tơ vẫn nguyên vẹn, công tơ vẫn hoạt động chính xác thì sẽ chỉ nhắc nhở, bấm chì lại và không xử lý vi phạm sử dụng điện. Tuy nhiên, nếu khách hàng làm đứt niêm chì đồng thời có một trong những tác động, can thiệp khác vào chì niêm hộp số công tơ, hộp đấu nối dây điện vào công tơ, kết cấu bên trong công tơ… để làm công tơ không hoạt động hoặc đo đếm thiếu so với sử dụng thực tế thì sẽ bị lập biên bản và thực hiện trình tự xử lý vi phạm sử dụng điện theo quy định pháp luật (vi phạm Điều 7 Luật Điện lực về hành vi trộm cắp điện).

Trộm cắp điện bị phạt tới 50 triệu đồng

Theo đại diện EVNHCMPC, đối với hành vi trộm cắp điện, người vi phạm bị xử lý đồng thời các biện pháp: Bị ngưng cung cấp điện, bồi thường thiệt hại (sản lượng điện trộm cắp), bị phạt vi phạm hành chính 2-50 triệu đồng nếu sản lượng điện trộm cắp dưới 20.000 kWh. Nếu sản lượng điện trộm cắp trên 20.000 kWh thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Những trường hợp xây sửa nhà, nếu tự ý di dời đồng hồ điện thì cũng bị xử phạt. Cụ thể, hành vi tự ý di dời đồng hồ điện, người vi phạm bị xử lý bồi thường thiệt hại, bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt 5-7 triệu đồng.

Hiện nay, do chưa có luật về cấp nước nên ở địa bàn TP.HCM các đơn vị cấp nước đều sử dụng Quyết định 20/2007 của UBND TP.HCM để xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo quyết định này, các hành vi vi phạm chủ yếu bị xử lý bằng cách buộc khách hàng nộp chi phí lắp mới các thiết bị và truy thu lượng nước tiêu thụ sai quy định chứ chưa có quy định xử phạt nghiêm như ngành điện…

LÊ THỊ THANH TÂM, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm