Viện Hàn lâm quốc tế về luật so sánh (International Academy of Comparative Law - IACL) vừa chính thức đưa ra thông báo kết nạp PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng Khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao) thành một trong những viện sĩ Việt Nam đầu tiên của viện. Sự kiện này không chỉ là thành tựu của một cá nhân, mà còn là niềm tự hào của nền luật học Việt Nam và Trường ĐH Luật TP.HCM.
Ngày 22-7, PGS-TS Đỗ Văn Đại đã dành cho Pháp Luật TP.HCMcuộc trao đổi chân tình.
PGS-TS Đỗ Văn Đại, tân Viện sĩ IACL, Trưởng Khoa luật dân sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM, trong một buổi giảng dạy. Ảnh: NVCC
Quyết định về Việt Nam để cống hiến
. Phóng viên: Một lần nữa, xin chúc mừng PGS-TS đã được kết nạp vào IACL. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi chính thức trở thành viện sĩ của IACL?
+ PGS-TS Đỗ Văn Đại: Cảm giác đầu tiên đó là vinh dự. Theo quy chế của IACL, thành viên phải là “người uyên bác trong lĩnh vực pháp luật so sánh”. Thực ra, để được bầu là thành viên, cá nhân liên quan phải trải qua một quy trình. Ngoài lý lịch khoa học, cá nhân phải được ai đó giới thiệu và phải đạt được phiếu bầu hợp lệ (của đa số thành viên và đạt ít nhất 20% số phiếu phát ra).
Do đó, khi viện thông báo tôi được bầu là thành viên, đương nhiên là tôi rất vui, rất vinh dự. Đó là sự ghi nhận quốc tế về mặt khoa học của một thành viên đang là giảng viên cơ hữu của một cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
Nhân dịp này, tôi có chút lưu ý trong việc thế giới ghi nhận người Việt. Thời gian gần đây, có một xu hướng là chúng ta mong muốn làm việc cho nước ngoài, thậm chí định cư ở nước ngoài để được quốc tế công nhận nhưng tôi lại theo xu hướng ngược lại.
Tôi đủ điều kiện ở lại và làm việc ở nước ngoài (vì được đào tạo bài bản tại Pháp, đã được Hội đồng các đại học Pháp ghi nhận đủ chuẩn để đảm nhiệm chức danh Maitre de conferences - chức danh dưới chức danh giáo sư và đã từng giảng dạy tại Pháp). Dù vậy, tôi đã quyết định về Việt Nam làm việc theo đúng nghĩa là cống hiến cho giáo dục tư pháp nước nhà.
Từ khi về Việt Nam làm việc năm 2007, tôi vẫn ưu tiên công việc (giảng dạy, xây dựng pháp luật/án lệ) và công bố công trình cho Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam. Hằng năm, tôi vẫn công bố công trình ở nước ngoài nhưng đó không là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù là giảng viên cơ hữu cho cơ sở đào tạo tại Việt Nam chứ không phải ở nước ngoài, tôi vẫn được ghi nhận ở phạm vi quốc tế.
Hy vọng rằng xu hướng này sẽ phát triển nhiều hơn vì như vậy sẽ mang chất xám về Việt Nam thay vì mang chất xám của Việt Nam ra nước ngoài.
PGS-TS Đỗ Văn Đại (giữa) tại một hoạt động của Khoa Luật Dân sự, ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: NVCC
Lợi ích của Việt Nam khi có người là thành viên của IACL
. Nhiều bạn đọc thắc mắc IACL có vai trò như thế nào và hoạt động ra sao?
+ IACL có địa chỉ liên lạc hiện nay tại Paris (Pháp) nhưng thực chất là viện quốc tế (không phải là viện của Pháp), được thành lập từ năm 1924 tại La Haye, Hà Lan (là nơi nổi tiếng về giao lưu học thuật quốc tế về pháp luật).
Hoạt động của viện được nêu trong quy chế là “nghiên cứu so sánh các hệ thống pháp luật”. Viện thường xuyên tổ chức các nghiên cứu, hội nghị quốc tế về pháp luật mà các nước có thể cử người tham dự. Chẳng hạn, năm 2022, IACL sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế với 26 chủ đề khác nhau ở Paraguay (Nam Mỹ), mỗi chủ đề sẽ được dẫn dắt bởi một thành viên lão làng với sự tham gia của rất nhiều nước trên thế giới.
. Ông có thể cho biết viện này có tổng cộng bao nhiêu thành viên? Việt Nam đã có những ai được kết nạp làm viện sĩ của IACL?
+ Theo thông tin tôi được biết, viện có khoảng 700 thành viên trên toàn thế giới và không phải nước nào cũng có thành viên trong viện, số lượng thành viên của mỗi nước cũng khác nhau.
Cho đến lần này, tôi được biết Việt Nam chưa có ai được bầu là thành viên của IACL và năm nay là lần đầu tiên Việt Nam có người được bầu là thành viên của viện. Trước đây tôi là chủ nhiệm Ủy ban về pháp luật Việt Nam của viện nhưng chưa là thành viên.
Trước đó, tôi xem trên mạng còn thấy một cá nhân khác của Việt Nam nhưng tôi được biết thầy này từ lâu đã không còn là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo tại Việt Nam nữa mà đã đi làm cho cơ sở đào tạo nước ngoài.
. Vào IACL thì Việt Nam sẽ được những lợi thế gì, thưa ông?
+ Vào IACL đương nhiên có lợi cho Việt Nam. Trước khi được bầu là thành viên của viện, tôi là chủ nhiệm Ủy ban về pháp luật Việt Nam của IACL và hằng năm tôi giới thiệu chuyên gia Việt Nam cho các hội nghị quốc tế mà viện tổ chức.
Chẳng hạn, đối với hội nghị tại Paraguay năm tới, tôi đã giới thiệu cho viện hơn 20 chuyên gia của Việt Nam ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Với việc tham gia này, các chuyên gia của nước ta sẽ có cơ hội giao lưu với các chuyên gia trên thế giới để giới thiệu pháp luật Việt Nam (kết quả hội nghị thường được công bố bởi các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới) và tiếp thu chất xám, các tiến bộ của thế giới cho Việt Nam (rất cần thiết trong việc đào tạo và phát triển hệ thống pháp luật ở nước ta).
Hiện nay, tôi chưa rõ công việc cụ thể sau khi được bầu là thành viên. Tuy nhiên, các công việc như trên vẫn được duy trì và tôi tin rằng sẽ có các việc khác hữu ích và quan trọng hơn cho giao lưu học thuật.
. Sau khi trở thành thành viên của viện, có gì thay đổi trong công việc, cuộc sống của ông?
+ Tôi vẫn chưa rõ viện sẽ giao thêm việc gì cho tôi. Tuy nhiên, dù là việc gì đi chăng nữa, tôi vẫn tiếp tục làm việc ở Việt Nam, gắn bó với hệ thống pháp luật nước ta và đặc biệt là với các bạn sinh viên của Trường ĐH Luật TP.HCM. Đó vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi từ khi rời Paris về Việt Nam.
. Xin cám ơn ông.
Nguồn cảm hứng cho giới khoa học luật Việt Nam Thế hệ luật gia, các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam đã có một bước trưởng thành đáng khích lệ thể hiện qua việc PGS-TS Đỗ Văn Đại được kết nạp, trở thành viện sĩ của IACL. Việc này cho thấy trong thời gian qua, các nhà khoa học trẻ của nước nhà đã có những nỗ lực và có hiệu quả trong hội nhập quốc tế về nghiên cứu luật học. Thông qua việc PGS-TS Đỗ Văn Đại được kết nạp vào IACL, quốc tế cũng đã thừa nhận sự đóng góp của Việt Nam. Đây là nguồn cảm hứng cho giới khoa học luật, nhất là lớp trẻ tài năng của Việt Nam dấn thân hơn nữa để có thể đạt được những thành tích tương tự như của PGS Đại, được kết nạp là thành viên của các định chế hàn lâm về luật có uy tín. Qua đó, đưa Việt Nam lên bản đồ luật học của thế giới. IACL tạo không gian học thuật, nghiên cứu so sánh luật, các quan điểm, học thuyết về luật của các quốc gia trên thế giới. PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp |
Cơ hội để Việt Nam trao đổi, tiếp thu thành tựu khoa học pháp lý PGS-TS Đỗ Văn Đại được kết nạp vào IACL không chỉ là cột mốc thành công của cá nhân, mà còn là niềm tự hào của Trường ĐH Luật TP.HCM - nơi PGS Đại đang công tác và cống hiến. Như tên gọi của nó, IACL là một trong những viện nghiên cứu pháp luật uy tín bậc nhất trên thế giới, là diễn đàn nghiên cứu cho các học giả đến từ mọi quốc gia trên cơ sở tìm hiểu, phân tích, đánh giá, so sánh, tham chiếu các hệ thống pháp luật trên thế giới. Chính vì thế, việc PGS-TS Đỗ Văn Đại (cùng với một người Việt Nam khác là PGS-TS Bùi Ngọc Sơn) trở thành viện sĩ của IACL sẽ góp phần giới thiệu hệ thống pháp luật Việt Nam với các học giả quốc tế; nghiên cứu, trao đổi, tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý từ các hệ thống pháp luật khác, từ các học giả có uy tín trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực pháp luật dân sự - chuyên ngành mà PGS-TS Đỗ Văn Đại tập trung nghiên cứu. Với xuất phát điểm, nền tảng, năng lực nghiên cứu và với sự kiện này, tôi hy vọng và tin tưởng vào nhiều thành công ở phía trước đối với PGS Đại. PGS-TS VŨ VĂN NHIÊM, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TP.HCM |