Người giữ ký ức Trung thu xưa

Đến hẹn lại lên, mùa Trung thu, các khu phố lồng đèn thuộc địa bàn quận 5, 6, 11 lại lộng lẫy màu xanh, vàng, đỏ của những chiếc lồng đèn Trung thu. Nép mình bên rừng lồng đèn thời thượng của con phố lồng đèn nằm sát chợ Kim Biên vẫn còn đó những nghệ nhân già đang miệt mài làm ra những chiếc lồng đèn đúng chất Trung thu xưa - lồng đèn làm bằng giấy film cũ, loại lồng đèn phổ biến của Trung thu những năm 1980, 1990.

Cả đời miệt mài với đèn giấy film

Nằm sát ngã tư đường Ngô Nhân Tịnh giao với đường Tháp Mười (thuộc phường 13, quận 5), tiệm lồng đèn của gia đình dì Sáu là tiệm duy nhất còn lại của cả khu vực chợ Kim Biên, chợ Bình Tây còn nhận làm lồng đèn Trung thu bằng giấy film cũ. Góc kiốt chưa đầy 10 m2 chất hàng đống đồ nghề, dụng cụ làm lồng đèn, hơn 30 năm nay vẫn là chỗ để sáu thành viên trong gia đình dì Sáu miệt mài cho ra lò những chiếc đèn Trung thu kiểu xưa.

Dì Sáu cho hay dì làm nghề này từ khi chưa lấy chồng, đến nay đã ngoài 55 tuổi, đứa con út của dì cũng đã vào ĐH. “Tôi nhớ không lầm thì từ đầu năm 1980 gia đình tôi bắt đầu vào nghề. Lúc đó cả khu phố này có bảy, tám gia đình cùng làm nghề. Giờ thì chỉ còn một mình gia đình tôi làm. Thành thói quen rồi, trừ mùa cận tết, còn lại tất cả mùa trong năm, cứ thức dậy là cả gia đình tôi lại cùng nhau chuẩn bị các công đoạn để mùa Trung thu làm lồng đèn” - dì Sáu tâm sự.

Những mùa vụ cuối, dì Sáu (bìa phải) và các thành viên trong gia đình vẫn đang miệt mài cho ra lò những chiếc lồng đèn mang “hơi thở” Trung thu xưa. Ảnh: ANH PHÚ

Cùng với dì Sáu, chị Lan - cháu ruột của dì năm nay ngoài 30 tuổi cũng đã theo nghề từ thời mới lớn. Chị bảo: “Để làm giàu từ cái nghề này thì thật khó. Cứ nhìn công bỏ ra là biết, làm toàn bằng tay, tốn thời gian, cho ra sản phầm ít, giá cả lại thấp. Vài lần gia đình tôi cũng tính bỏ nghề nhưng không làm cũng thấy thiếu thiếu, khó chịu lắm. Nhiều lúc vừa làm vừa nghĩ thôi kệ, khi nào còn kiếm được film thì cứ làm cho sắp nhỏ thời nay biết đến loại đèn này, để khỏi quên mất một loại đèn xưa”.

Chiếc đèn sẽ bị lãng quên?

Nhìn chừng như đơn giản nhưng để cho ra lò những chiếc lồng đèn này phải trải qua rất nhiều công đoạn với sự tỉ mỉ cao vì tất cả đều làm bằng tay. “Công việc tưởng như thời vụ nhưng gia đình tôi cả sáu người phải chuẩn bị cả năm mới bán một mùa. Hết tẩy màu film, đo khuôn, cắt khúc đến xâu mái, bó thân đèn… rất mất thời gian” - dì Sáu chia sẻ.

Thế nhưng theo dì Sáu, cũng chừng một, hai năm nữa thôi, gia đình dì có nguy cơ… mất nghề. “Giờ mua film cũ khó quá, kiếm không ra. Mấy tiệm chụp ảnh, rạp chiếu bóng toàn dùng thẻ nhớ, có còn dùng film cuộn nhựa như xưa nữa đâu. Biết sao được, còn thương cái nghề này lắm nhưng đến lúc phải dừng lại thì cũng chịu thôi…” - dì Sáu bùi ngùi.

Một khách hàng quen của dì Sáu cho hay năm nay ông đặt mua gấp đôi những năm trước để vừa cho con cháu chơi, vừa đi biếu các mái ấm. “Tôi nghe bà Sáu nói sắp nghỉ làm cũng thấy buồn buồn. Sợ sang năm bà không làm nên năm nay mua nhiều chút. Cái đèn này thời xưa với tôi là xa xỉ lắm, mùa Trung thu mà có được nó là chạy dọc khắp phố khoe với chúng bạn. Cũng mong bọn trẻ thời nay được chơi cái đèn này còn biết được chút vị Trung thu thời khó khăn xưa mà cha mẹ chúng nó từng trải qua” - vị khách tâm tình.

Theo những nghệ nhân, cùng với đèn ống lon, đèn Trung thu làm từ giấy film cũ thịnh hành vào những năm 1980-1990. Xuất phát từ những cuộn film chụp ảnh, phim điện ảnh cũ đã qua sử dụng, các nghệ nhân nghĩ cách làm ra loại đèn này. Thời đó, một số trường tiểu học cũng từng đưa vào môn Thủ công dạy cho học sinh cách làm loại đèn này. Dù cho từ trước đến nay mẫu mã của loại đèn này không đa dạng, chỉ xoay quanh các loại đèn hình chùa, trái bí, đèn kéo quân nhưng do màu sắc và độ sáng bóng khi thắp đèn nên vẫn khiến trẻ em thích thú.

ANH PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới