Người hai lần được miễn tội vì không nguy hiểm

Sáng 9-3, anh Đỗ Minh Tâm đã đến Công an huyện Củ Chi, TP.HCM để nhận quyết định đình chỉ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà anh là bị can suốt sáu năm qua. Theo quyết định đình chỉ vụ án, do chuyển biến của tình hình mà hành vi của anh Tâm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Từ đó Công an huyện Củ Chi đã quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho anh theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Kêu oan, bị khởi tố lại

Anh Tâm là nhân vật trong bài “Chậm trả tiền củi bị kết tội đến cùng” (Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh). Nguyên cuối năm 2005, anh làm thuê cho ông Phạm Văn Hạnh ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Hai bên thỏa thuận anh Tâm lo kiếm mối mua củi, thỏa thuận giá cả, đi giao hàng rồi nhận tiền về đưa lại ông Hạnh để nhận hoa hồng. Một lần bị CSGT xử phạt thì ông Hạnh cho anh Tâm nghỉ. Sau đó, đúng ngày đã hẹn, anh đến một công ty gốm sứ ở huyện Củ Chi nhận hơn 13 triệu đồng tiền củi nơi này còn nợ. Ông Cao, người của công ty gốm sứ, là người giao tiền cho anh. Nhưng do anh Tâm chưa đưa tiền lại ngay nên bị ông Hạnh tố cáo. Công an xã mời đến làm việc thì anh Tâm hứa sẽ trả tiền và để xe máy lại, đảm bảo việc trả nợ. Ông Hạnh đồng ý cho anh khất nợ để đi làm phụ hồ kiếm tiền trả.

Năm 2008, anh Tâm và gia đình chuyển về huyện Châu Thành, Tây Ninh sống. Tháng 4-2010, anh đến nhà ông Hạnh trả 5 triệu đồng và xin khất số tiền còn lại. Ông Hạnh đồng ý. Bất ngờ ngày 14-1-2011, anh bị Công an huyện Củ Chi khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 6-2011, TAND huyện Củ Chi trả hồ sơ do chưa đủ cơ sở kết tội. Sau đó anh Tâm được đình chỉ điều tra theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Anh khiếu nại, đòi được bồi thường oan thì bị khởi tố, truy tố tiếp. Tháng 2-2014, xử lần đầu, TAND huyện Củ Chi phạt anh chín tháng tù treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án này bị TAND TP.HCM tuyên hủy để xác định lại người bị hại và để xem liệu có đáng phải truy cứu trách nhiệm hình sự anh Tâm không. Điều tra lại, cơ quan tố tụng huyện Củ Chi không nêu rõ ai là người bị hại nhưng kết luận anh Tâm dùng thủ đoạn gian dối lừa ông Cao để… chiếm đoạt tiền của ông Hạnh.

Tại phiên sơ thẩm lần hai, TAND huyện Củ Chi xác định ông Hạnh là người bị hại, ông Cao và công ty mua củi là người liên quan. Tòa đã kết tội anh Tâm lừa đảo với hình phạt cảnh cáo. Anh Tâm kháng cáo kêu oan. Tháng 5-2015, xử phúc thẩm lần hai, TAND TP.HCM đã hủy án để xác định lại thời điểm tội phạm hoàn thành vì nó ảnh hưởng lớn đến việc xác định tội danh, tư cách tham gia tố tụng…

Anh Tâm cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại việc đình chỉ. Ảnh: P.LOAN

Sẽ khiếu nại việc đình chỉ

Sau gần hai năm nghiên cứu lại hồ sơ vụ án, Công an huyện Củ Chi đã ra quyết định đình chỉ như trên. Quyết định đình chỉ này được VKSND huyện đồng tình.

Anh Tâm chia sẻ: “Cả hai lần đình chỉ cơ quan tố tụng đều lấy lý do vì có chuyển biến của tình hình, tôi không đồng ý. Tôi sẽ khiếu nại đến cấp có thẩm quyền cao hơn việc đình chỉ này để được minh oan”. Theo anh Tâm, sự việc xảy ra và đã kéo dài nhiều năm nên khá mệt mỏi và luôn mong chờ đến ngày được minh oan. Những năm qua, nhiều lần bị mời làm việc, mất nhiều thời gian, công sức và và tổn hại về tinh thần. “Khi không đủ chứng cứ kết tội tôi thì phải công nhận đã làm oan, có như vậy mới sòng phẳng” - anh Tâm nói.

Luật sư Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), người bào chữa miễn phí cho anh Tâm trong sáu năm qua, cho rằng lý do đình chỉ này nhằm né tránh việc bồi thường oan. Hai lần tòa phúc thẩm hủy án đều chung nhận định là anh Tâm không có hành vi phạm tội. Nhưng cơ quan tố tụng huyện Củ Chi vẫn không xem xét để lấy đó làm căn cứ đình chỉ. Theo luật sư Thanh, phải đình chỉ với lý do hành vi của anh Tâm không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS. Bởi vụ án có dấu hiệu rất rõ là một quan hệ dân sự như nhiều lần ông phân tích tại tòa. “Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xem lại việc đình chỉ này” - ông Thanh nói.

Cơ quan điều tra đình chỉ vụ án là có cơ sở

Liên quan đến vụ việc này, chiều 9-3, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Phan Trương Hiền, Viện trưởng VKSND huyện Củ Chi, TP.HCM.

. Phóng viên: Thưa ông, công an huyện đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 BLHS, tức anh Tâm có tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do hành vi không còn nguy hiểm. Ý kiến của VKS đối với việc đình chỉ này thế nào?

Người hai lần được miễn tội vì không nguy hiểm ảnh 2
 

+ Ông Phan Trương Hiền: VKSND huyện Củ Chi đã kiểm sát quyết định đình chỉ này của công an. VKS nhận thấy vụ án xảy ra đã lâu, việc đình chỉ là phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của anh Tâm.

. Ngay từ đầu, vụ án đã có dấu hiệu chỉ là một quan hệ dân sự, khi anh Tâm trả ông Hạnh 5 triệu đồng, ông này đồng ý cho trả dần và anh Tâm còn để xe máy lại để đi làm thuê trả nợ.

+ Đây là quan điểm đánh giá và nhận thức của người làm công tác tiến hành tố tụng qua từng thời kỳ.

. Cáo trạng xác định: “Tâm dùng thủ đoạn gian dối lừa ông Cao để chiếm đoạt tiền của ông Hạnh”. Vậy người bị hại trong vụ án này là ai, khi cả hai ông đều cho rằng mình không liên quan và không bị thiệt hại gì?

+ Tội phạm hoàn thành kể từ ngày anh Tâm đến gặp ông Cao để nhận tiền. Hành vi gian dối của Tâm là không nói với ông Cao mình không còn làm việc cho ông Hạnh nữa và không cho ông Hạnh biết việc mình đến lấy tiền. Do đó Tâm cũng có hành vi vi phạm pháp luật.

. Hai lần tòa phúc thẩm hủy án với nhận định anh Tâm không có hành vi phạm tội lừa đảo. Vì sao công an và VKS huyện không để ý đến nhận định này?

+ Vụ án này do công an huyện đình chỉ. VKS đã kiểm sát kỹ và nhận thấy việc đình chỉ là có căn cứ. Anh Tâm cũng có lỗi khi đi nhận tiền mà không thông báo việc mình đã nghỉ việc.

. Vụ này dư luận cho rằng cơ quan tố tụng Củ Chi lạm dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để né việc bồi thường oan. Quan điểm của ông thế nào?

+ Cơ quan điều tra đình chỉ vụ án là có cơ sở.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm