Người hiến thận phải chịu tiền xét nghiệm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Hội thảo Thành tựu 10 năm ghép thận (2004-2014) của BV 115 diễn ra từ ngày 18 đến 24-2, BS Tạ Phương Dung, Trưởng khoa, Trưởng khối Thận niệu, BV 115 chia sẻ: Bên cạnh chuyên môn thì vấn đề vận động người cho chết não rất khó, là một trở ngại lớn vì người châu Á có quan niệm phải “chết toàn thây”.

Nhiều trở ngại

“Chúng tôi muốn phát triển ghép tạng nói chung và thận nói riêng trên người cho chết não, bởi một người chết sẽ cho hai quả thận, một quả tim, gan và hai lá phổi, như vậy sẽ cứu được sáu người. Vấn đề này khắp nơi trên thế giới đã làm nhưng ở Việt Nam thì chưa được người dân hiểu” - PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu, BV Chợ Rẫy, cho biết thêm.

Cũng theo PGS-TS Sinh, nếu một người chết đi mà ôm tạng phủ xuống lòng đất thì vô ích quá. Do vậy cần loại bỏ cách nghĩ “chết không trọn vẹn” của một số nước châu Á. Một số nước đã thay đổi quan niệm, khi làm bằng lái xe là họ đã đăng ký hiến tạng nếu chẳng may tai nạn xảy ra.

Còn theo BS Dung, một khó khăn khác hiện nay là chi phí xét nghiệm thận của người cho chết não thì đơn vị nào sẽ trả. Bởi không thể yêu cầu gia đình bệnh nhân vì thân nhân họ đang sống-chết, ranh giới rất mong manh và cũng không được phép thu tiền của họ. Cũng không thể bắt người nhận thận phải trả chi phí này. Do vậy, cần phải có quỹ hay nhờ đến các hội từ thiện… Theo BS Dung, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 quy định người sống hiến tạng được mua BHYT miễn phí nhưng cơ quan nào mua cho những người đó thì cũng không biết.

 

Một trường hợp ghép thận tại BV 115 đang được chăm sóc. Ảnh: BV 115

“Người có BHYT làm các xét nghiệm hiến thận (tầm soát, khoảng 20 triệu đồng) không được BHYT chi trả nhưng phẫu thuật lấy thận thì được chi trả. Còn người không có BHYT thì cả hai kỹ thuật này đều phải tự chi trả. Nhiều người được cho thận, sau đó đã mua BHYT cho người hiến thận cho mình” - BS Dung nói.

Truyền thông giúp ghép tạng thành công 30%

PGS-TS Sinh cũng cho rằng cần phải nói rõ về thủ tục hiến, ghép thận, bởi nó không hề đơn giản, để tránh việc lợi dụng việc bệnh nhân không chết mà nói chết để lấy thận. Tất cả phải làm đúng theo luật. “Cần tăng cường quan hệ với giới truyền thông để công chúng biết nhiều hơn về ý nghĩa nhân đạo thật sự của việc hiến, ghép thận. Bởi theo kinh nghiệm của thế giới, truyền thông giúp ghép thận thành công 30%, 70% còn lại là từ giới chuyên môn” - PSG-TS Sinh nói.

“Bác sĩ cũng sẽ không được phép đi vận động xin tạng cho bệnh nhân. Người vận động có thể là hội chữ thập đỏ hoặc ban vận động (không thuộc giới chuyên môn). Ngay cả người quyết định người chết não hay tim để lấy tạng cũng không phải là bác sĩ thận niệu mà là bác sĩ hồi sức, thần kinh để mang tính khách quan” - BS Dung cho biết.

DUY TÍNH

 

Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT, trong đó có người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. sau khi họ hiến tạng rồi mới được ngân sách mua BHYT. Nhưng quỹ BHYT lại không chi cho các khoản chi phí làm xét nghiệm trước khi hiến.

BS LƯU THỊ THANH HUYềN, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM


Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế. Người hiến còn được cấp thẻ BHYT miễn phí; được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ tài chính về khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ BHYT cho người đã hiến bộ phận cơ thể người.

_________________________________________

Tính đến nay, BV 115 đã ghép thận được 63 ca trên người cho sống. Hiện bệnh viện đang xin thủ tục ghép thận trên bệnh nhân cho chết não. Bệnh viện cũng có khoảng 20 người tha thiết được ghép thận và đủ sức khỏe nhưng vẫn chưa ghép được. Còn tại BV Chợ Rẫy, sau 20 năm đã ghép được 350 ca trên người cho sống và bảy người hiến tạng khi chết. Tuy vậy, số người chờ ghép rất nhiều mà không có thận để ghép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới