Phóng viên hỏi và Nam trả lời một cách thoải mái về những việc mình làm, về những suy nghĩ của mình trong học tập, vui chơi, đọc sách, mơ ước. Khả năng tư duy đáng kinh ngạc và khả năng diễn đạt tư duy ấy bằng ngôn ngữ cũng đáng kinh ngạc, cộng với một phong thái của người vốn quen đứng trước cử tọa, công chúng một cách đĩnh đạc, đàng hoàng, Nam đã vô tình khiến một số người lớn, phụ huynh vốn quen kiểu kẻ cả bề trên cho là không thể chấp nhận được. Họ, những người đang tâm lên mạng và lập mạng rủa xả, mắng mỏ Đỗ Nhật Nam là sản phẩm của một nền giáo dục theo tôn ti trật tự của kẻ trên răn dạy kẻ dưới, kẻ dưới phải cúi mình trước kẻ trên, không được tỏ ra khác biệt, khác thường. Trẻ em không được bày tỏ chính mình, không được tôn trọng như một chủ thể tự thân, không được khác với những khuôn mẫu đã bị quy định sẵn. Đây cũng là hậu quả của một xã hội không khuyến khích cá nhân độc lập trong tư duy và hành động, trong khát khao vươn tới những cái khác.
Cậu bé Nam không có lỗi gì trong việc tuổi còn nhỏ mà cậu đã học được thế, đọc được thế và nói được thế, đó là do tố chất sinh học của cậu và do môi trường dạy dỗ của gia đình cậu. Không có hai cái đó không có Đỗ Nhật Nam như một hiện tượng có thể gọi là “thần đồng”. Và cũng may cho cậu là có một trường học tốt, biết tôn trọng và tạo điều kiện cho cái khác của cậu được tự nhiên nảy nở (tôi nói may vì còn ít trường như vậy). Nhưng điều đáng quý, đáng mừng nữa là cậu bé này vẫn là một cậu bé, vẫn không đánh mất sự hồn nhiên, hiếu động của lứa tuổi mình, vẫn không tách biệt với môi trường sống. Vùi dập em một cách dã man, tôi lại phải nhắc lại hai từ này, như của những người gọi là lớn đã làm vừa qua, là vùi dập những năng khiếu của trời, là vùi dập những mầm mống tài năng, là vùi dập một con người và vùi dập con người. Đó có thể coi là một tội ác. Càng là tội ác hơn khi những người làm như thế một cách dửng dưng và thích thú.
Các học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) khi biết tin môn lịch sử không có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp năm nay đã ra hành lang lớp học xé nhỏ đề cương ôn thi môn sử và ném tung từ trên gác cao xuống sân trường làm thành một cơn mưa giấy. Một sự bột phát của tâm lý học trò? Đúng. Một hội chứng bị kích thích của đám đông? Đúng. Nhưng ẩn bên trong, thực chất của hành động này là một cách dạy học, một cách giáo dục, một cách thi cử lệch lạc nghiêm trọng đã tồn tại nặng nề bao nhiêu năm qua trong hệ thống giáo dục hiện hành. Một hệ thống tạo ra cho cả thầy và trò tâm lý học để thi. Cho nên không thi là không học, học đối phó, học cho có. Cho nên phân ra môn chính môn phụ, sinh ra thái độ bên trọng bên khinh, sinh ra mặc cảm của những thầy cô dạy những môn ít thi hoặc không thi. Hành động của các học sinh xé đề cương ôn thi môn sử có là bột phát thì đó cũng là sự bùng nổ, vỡ òa của một tâm lý đã được tích tụ không chỉ trong một năm học, không chỉ của một lớp học, không chỉ của một thế hệ, mà nó đã được tích tụ như trong tiềm thức suốt cả một quá trình dài của một hệ thống giáo dục cho đến tận bây giờ vẫn loay hoay tìm lời giải cho một mô hình đào tạo tối ưu, tiên tiến, hết cải cách này đến cải cách khác vẫn cứ lún sâu vào cuộc khủng hoảng giáo dục và nhân văn.
Chung quy lại trong cả hai việc này là người lớn làm hỏng trẻ em. Chuyện giáo dục là cả một câu chuyện dài nhức nhối toàn xã hội. Mà không riêng gì giáo dục, nhiều lĩnh vực khác của xã hội cũng vậy, những câu chuyện dài đáng buồn và đáng bực. Những việc này việc khác xảy ra chỉ càng khơi sâu thêm những nỗi buồn bực này và càng đặt ra bức xúc câu hỏi: Đến khi nào tình trạng khủng hoảng chấm dứt? Câu trả lời trước hết nằm ở những người làm giáo dục.
PHẠM XUÂN NGUYÊN