Phản ứng của hầu hết độc giả là bất bình vì ban tổ chức (BTC) đã không tôn trọng cảm xúc của trẻ, lễ khen thưởng, tuyên dương lẽ ra phải là khoảnh khắc hạnh phúc, tự hào và in vào ký ức các em những cảm xúc đẹp. Nhưng BTC chỉ tổ chức theo kiểu rất hình thức, mời lên nhận quà tượng trưng để chụp ảnh cho đẹp.
Thật ra nếu lễ tuyên dương đó không phải là dành cho các em nhỏ mà là dành cho người lớn thì tôi cam đoan chắc sẽ chẳng có một ai phản ứng. Vì điều đó là hết sức bình thường, đến mức được xem là... đương nhiên phải hình thức như thế.
Nhiều thầy cô cho biết họ cũng chỉ lên sân khấu nhận giấy khen hoặc phong bì rỗng, lên cho đẹp đội hình. Sau khi rời sân khấu thì họ chạy vào phía sau tìm thư ký để ký lãnh tiền thưởng và nộp lại giấy khen (do giấy khen họ nhận trên sân khấu là của người khác). Gần như 100% là họ không phiền.
Với một chương trình truyền hình trực tiếp, việc trao biểu trưng như thế là phù hợp để không có bất cứ tình huống nào phát sinh ngoài ý muốn, theo đúng kịch bản. Nhưng các buổi tuyên dương ở trường, ở ngành đâu có truyền hình trực tiếp. BTC hoàn toàn có thể có một kịch bản tốt hơn, khen đúng người, trao đúng quà, trân trọng họ thay vì chỉ đưa lên sân khấu diễn trong vài giây rồi đi xuống.
Một giáo viên nói với tôi rằng hầu hết giáo viên và học sinh đều biết các kỳ thi giáo viên giỏi, cả cô và trò đều cùng nhau diễn. Trong tiêu chí xét các danh hiệu thi đua, giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm, cả người chấm và người làm sáng kiến đều diễn với nhau bởi ai cũng biết có sự copy qua lại giữa các giáo viên. Đến khi được khen thưởng, một số danh hiệu được “cơ cấu” sẵn, một số danh hiệu đạt được do “diễn” đạt và thêm một yếu tố khác nên việc khen thưởng tượng trưng đầy màu hình thức cũng... bình thường thôi.
Bệnh hình thức đã quá nặng nên không ai thấy có cảm giác bệnh nữa. Người được trao thưởng tượng trưng vẫn thấy vinh dự như thường. Chỉ có trẻ con còn hồn nhiên, còn trung thực với cảm xúc của mình mới cảm thấy tổn thương.
Không chỉ trong ngành giáo dục, các ngành khác cũng bị bệnh hình thức trầm kha như thế.
Khi những đứa trẻ cảm thấy bị tổn thương, phòng giáo dục xin lỗi, người lớn chúng ta có dịp tự phản tỉnh về căn bệnh hình thức, ham thành tích của chính mình.