Người lớn mắc tay chân miệng không triệu chứng vô tình sẽ lây cho trẻ em

(PLO)- “Có 50% người lớn mắc tay chân miệng không triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng cho trẻ em mà không hề biết”-TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-6, tại Viện Pasteur TP.HCM, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phía Nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM).

Báo cáo tại cuộc họp, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết trong tuần qua (tuần 24) có 2.000 ca mắc bệnh TCM tại 20 tỉnh thành phía Nam, tăng nhiều so với tuần trước. Trong đó có hai ca tử vong trên biến chứng lâm sàng. Các ca tử vong được xác định do chủng virus Entero 71 (EV17).

Theo TS.BS Thượng, hiện chủng EV71 tấn công chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy khi hết kì nghỉ hè, trẻ đi học lại sẽ làm lây lan nhiều hơn. Đặc biệt, có 50% người lớn mắc TCM không triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng cho trẻ em mà không hề biết.

"Vấn đề vệ sinh phòng chống bệnh TCM rất quan trọng, không chỉ ở trẻ em, ở nhà trẻ mà cả ở người lớn. Các hành vi phải mang tính đồng bộ, ví dụ như phải giữ tay sạch, đồ chơi sạch, ăn uống sạch,… để phòng ngừa TCM lây lan", TS.BS Thượng nói.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

TS.BS Thượng cho biết thêm, hệ số mắc ca nặng tăng cao, đặc biệt là tuần 21. Phân tích dựa trên ca nặng, từ tuần 19 đến nay, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang, TP.HCM là các tỉnh, thành có tỷ trọng số ca nặng cao so với khu vực khác. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, khu vực phía Nam đã có 11.065 ca mắc bệnh tay chân miệng.

Đã có 7 ca tử vong do bệnh TCM tại Kiên Giang, Long An, Bình Phước, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Tháp, Bạc Liêu. Tất cả đều dưới 5 tuổi, tử vong sau 1 - 6 ngày nhập viện, 5/7 ca tử vong xác định do virus EV17.

Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, số mắc TCM có xu hướng gia tăng, virus EV71 chiếm ưu thế, chủng này tỷ lệ tử vong cao hơn so với các chủng khác. Phân độ TCM không được các địa phương báo cáo rõ ràng, chưa được phân độ theo lâm sàng, chuyện này ảnh hưởng việc đánh giá độ nặng lâm sàng và xu hướng bệnh tật.

Theo đó, gần đây với trẻ mắc TCM chủng EV71, bệnh tiến triển có biến chứng thần kinh. Vì vậy việc phân độ lâm sàng có vai trò quan trọng, giúp kịp thời đáp ứng điều trị. Hiện số mẫu xét nghiệm còn thấp, các vấn đề gửi mẫu còn khó khăn.

Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nói thêm, thời gian qua các trường hợp TCM đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân bị lờ đi chẩn đoán TCM. Vì thế ông đề xuất nên có văn bản gửi tất cả các cơ sở khám chữa bệnh để quan tâm, chẩn đoán, phát hiện sớm TCM nhằm nhập viện điều trị sớm, hạn chế biến chứng và tử vong cho trẻ.

Đáp ứng kịp thời, giảm nguy cơ tử vong

Các tỉnh, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, thực hiện 4 tại chỗ. Khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu và UBND TP.HCM khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai.

Để chủ động phòng chống dịch, đề nghị các tỉnh, TP tăng cường theo dõi, tập trung xử lý đảm bảo chất lượng điều trị, phân tích tình hình dịch, có giải pháp kịp thời tuỳ theo tình hình từng địa phương.

Đề nghị tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Truyền thông về kiến thức phòng chống dịch, dấu hiệu phát hiện sớm dịch bệnh tại cộng đồng, trường học.

Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ Trưởng Bộ Y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm