Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra việc phòng chống dịch tay chân miệng tại TP.HCM

(PLO)- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vào TP.HCM trực tiếp kiểm tra tình hình phòng chống dịch tay chân miệng ở bệnh viện, trường học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-6, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM.

Ngoài ra, Đoàn công tác cũng đến kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại Trường mầm non TP (quận 3), hẻm 491 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thị sát tình hình phòng chống dịch tại Trường mầm non TP. Ảnh: HL

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thị sát tình hình phòng chống dịch tại Trường mầm non TP. Ảnh: HL

Tại BV Nhi đồng 1, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã kiểm tra thực tế công tác điều trị cho trẻ mắc TCM đang nằm tại các khoa Cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần kinh và khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU).

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, số ca nhập viện do mắc TCM là 431, chỉ chiếm 1/4 số nhập viện của cả năm 2022. Tuy nhiên có 24 ca nặng (độ 3,4), tăng gấp 2,5 lần so với số ca nặng của cả năm 2022.

Đặc biệt, năm ngoái tại BV không có ca tử vong do TCM nhưng 6 tháng đầu năm nay đã có bốn ca tử vong, đây là những trường hợp rất nặng (độ 3, 4) từ các tỉnh chuyển về.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra tình hình điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra tình hình điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

BS Hùng cho biết thêm, sau dịch COVID-19, tình hình nguồn cung Gamma Globulin (thuốc điều trị TCM) trên toàn cầu không có, gây khó khăn trong việc nhập khẩu. Nếu tình hình dịch TCM tiếp tục phức tạp, phải sử dụng thuốc liên tục, chỉ vài tuần thuốc sẽ cạn kiệt.

Để giải quyết tình trạng này, ông Hùng cho biết cần hội chẩn chặt chẽ hơn và cân nhắc về việc ra phác đồ trong điều trị để sử dụng thuốc truyền Gamma Globulin một cách hiệu quả nhất.

Thay vì phải lệ thuộc vào việc nhập khẩu nước ngoài, ông Hùng đề xuất Bộ Y tế cho phép công ty dược trong nước có thể nghiên cứu việc sản xuất Gamma Globulin.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo BS Hùng, bệnh TCM nặng tăng cao thời gian qua, dự kiến còn tiếp tục tăng cao trong các tháng tới. BV kiến nghị được cung ứng đủ thuốc như IVIG, Phenobarbital TM điều trị TCM, Dextran điều trị SXH. Hiện BV sử dụng thuốc thay thế trong điều trị TCM là Pentaglobin. Thuốc này có chi phí cao gây ảnh hưởng trong thanh toán BHYT.

BV đề xuất Bộ Y tế xem xét, đồng thuận Hướng dẫn điều trị bệnh TCM trong trường hợp nguồn cung cấp IVIG hạn chế. Cạnh đó tăng cường huấn luyện các tuyến về điều trị TCM, SXHD và hỗ trợ phụ cấp chống dịch bệnh lưu hành (SXH, TCM, Sởi,…).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thị sát tình hình phòng chống dịch tại Trường mầm non TP. Ảnh: HL

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thị sát tình hình phòng chống dịch tại Trường mầm non TP. Ảnh: HL

Sau khi nghe các báo cáo và đề xuất, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác điều trị TCM tại BV Nhi đồng 1.

Thứ trưởng mong thời gian tới, BV sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Y tế, Sở Y tế trong việc xây dựng các hướng dẫn, tổ chức các nghiên cứu để có thể có những thuốc mới, thuốc thay thế, có những biện pháp điều trị mới, phương pháp hỗ trợ cho các BV trên địa bàn, trong khu vực và trên toàn quốc.

Đối với việc BV đề xuất phác đồ thay thế điều trị TCM, bà Hương yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh lưu ý và trao đổi với Thứ trưởng phụ trách để có thể tiến hành ngay, giúp tất cả BV trên toàn quốc có thể áp dụng được.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị và thuốc hiếm, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.HCM và BV có dự kiến về nhu cầu, số lượng cụ thể. Cục Quản lý Dược sẽ đề nghị các nhà sản xuất nộp hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đề xuất nâng chế độ phụ cấp 100% cho nhân viên y tế trong lĩnh vực dự phòng, chống dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm