Người lớn tuổi đã tiêm 3 mũi, chưa mắc COVID-19, có nên tiêm mũi 4?

(PLO)- Nếu 3 lần trước tiêm yên ổn, không bị nhiều tác dụng phụ, có bệnh nền và có nguy cơ tăng nặng thì nên tiêm mũi 4 vaccine COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội), hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công bố dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu do một số quốc gia việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 chưa được phổ cập đến người dân.

Trong tương lai, trên thế giới chắc chắn sẽ sớm có những hướng dẫn, khuyến cáo mới để dần dần COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu. COVID-19 vẫn có thể sẽ gây ra những đợt bùng dịch, nhưng ở quy mô nhỏ, không quá lớn như thời gian trước.

Theo ông Hiếu, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch và đã có một hệ thống chuyên nghiệp của Bộ Y tế trong việc theo dõi diễn biến của dịch COVID-19 dựa vào các tiêu chí, chủng mới, địa phương bùng phát dịch lớn, những ca nặng nhập viện, ca tử vong.

Nếu bám sát được các tiêu chí này sẽ xây dựng được hệ thống phản ứng trong sự thay đổi của dịch bệnh, khi dịch bùng phát trở lại sẽ có những biện pháp tương tự. Khi dịch thoái trào sẽ có giải pháp giảm mức phòng chống.

“Nếu vẫn coi COVID-19 là bệnh truyền nhiêm nhóm A chúng ta vẫn duy trì các biện pháp phòng chống như cũ thì rõ ràng không thực tế, người dân không thực hiện theo, vì vậy phải thích ứng linh hoạt.

Theo thống kê hiện tại, ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong giảm thì nên giảm hạ mức phòng chống để cho người dân có thể sinh hoạt bình thường. Những chính sách đang áp dụng trong điều trị bệnh COVID-19 cần phải thay đổi làm sao cho giảm thiểu nguồn lực vì chúng ta còn cả một giai đoạn sau COVID-19. Nếu cứ dùng các phương pháp như thời điểm COVID-19 bùng phát mạnh thì sẽ hết mất nguồn lực dự trữ” – ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, mô hình phòng, chống dịch sẽ xây dựng theo thời gian, sau nhiều đợt dịch sẽ dần có kiến thức y khoa tập hợp lại thành một lý thuyết chống dịch. Do vậy, cũng giống như các bệnh truyền nhiễm khác, nên đúc kết, xây dựng ngành COVID-19 học, có giảng viên giảng dạy cho bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia để bất cứ giai đoạn nào COVID-19 xảy ra thì chỉ cần thực hiện các bước đi mà sách vở đã hướng dẫn.

Nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng COVID-19, ông Hiếu cho biết vaccine là cứu cánh của hệ thống y tế toàn thế giới, giống như một phương pháp điều trị cơ bản để khống chế dịch, các phương pháp điều trị thông thường không thể giảm được tỉ lệ tử vong, không thể kết thúc được đại dịch COVID-19.

“Tôi trực tiếp chứng kiến tiêm vaccine ở những điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương. Hàng ngày, chúng tôi trực tiếp đếm đếm ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Thực tế cho thấy, khi tiêm vaccine được 2 tuần, số người tử vong do COVID-19 giảm theo chiều thẳng đứng”, ông Hiếu nói đồng thời cho hay: Chưa có nghiên cứu so sánh nhưng chắc chắn một điều vaccine là vũ khí quan trọng để chống lại COVID-19 cho đến thời điểm hiện tại. Việc tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về vai trò của vaccine phòng COVID-19 để họ tự nguyện tiêm là vô cùng quan trọng.

Việc tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cũng cần cá thể hoá từng trường hợp. Ví dụ đã tiêm mũi 3 và cách đây 6 tháng đã mắc COVID-19 thì không nhất thiết phải tiêm mũi thứ 4. Với người bị bệnh nền nặng, mới tiêm 1 mũi, cán bộ y tế phải giải thích cho người dân hiểu và tiêm mũi thứ 2.

Với người lớn tuổi, đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, chưa mắc COVID-19, thắc mắc không biết có nên tiêm mũi 4 hay không, thì dựa trên biến chứng do tiêm gây ra, người dân có thể cân nhắc và theo dõi. Nếu 3 lần trước tiêm yên ổn, không bị nhiều tác dụng phụ, có bệnh nền và có nguy cơ tăng nặng thì nên tiêm mũi 4. Ngược lại nếu lần trước tiêm gặp phản ứng phụ, lại là người khoẻ mạnh bình thường, không có nguy cơ gì có thể theo dõi thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm