Đấy là điều rất mới của bóng đá Việt Nam nhưng so với các nước trên thế giới thì đấy là điều rất bình thường.
Ông Lê Hùng Dũng thực chất không phải là người mới trong làng bóng nhưng là người có nhiều quyền lực nhất trong bộ máy VFF ở hai nhiệm kỳ qua. Nói như dân bóng đá là ông có gần hai nhiệm kỳ làm phó cho chủ tịch VFF khóa V và khóa VI Nguyễn Trọng Hỷ nhưng hầu như ông “điều hành” được ông Hỷ thông qua chuyện cơm - áo - gạo - tiền mà ông mang đến cho bóng đá Việt Nam.
Ông Dũng còn là người quyền lực đến độ ông nóng mặt với chuyện đội U-23 làm “xiếc” ở BTV Cup 2013, lập tức một cú điện thoại của ông là các ban bệ răm rắp đình chỉ chức vụ HLV của ông Hoàng Văn Phúc. Vụ Đình Đồng bạo lực phi thẳng vào chân Anh Hùng cũng thế. Khi mà ban kỷ luật còn câu giờ chờ các ban bệ thì chỉ một cú điện thoại của ông Dũng, các án được thi hành ngay trong ngày… Vì thế mà cũng có người nói rằng việc ông Hỷ “bỗng dưng nghỉ hưu” cũng nằm trong kịch bản để ông Dũng có đường băng bắt đầu từ vị trí quyền chủ tịch VFF chuẩn bị cho nhiệm kỳ VII.
Cách đây hơn một tuần, ông Dũng có trách tôi sau một bài viết về việc không ủng hộ bộ máy VFF đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ VII cùng những câu hỏi với mệnh đề NẾU. Trả lời ông, tôi chia sẻ việc không ai dám ra ứng cử mà mình ông ra đã là sự can đảm; tuy nhiên, điều quan trọng còn lại là những cộng sự quanh ông lại từng là những người chịu nhiều tai tiếng và không làm được khi ngồi trong bộ máy VFF những nhiệm kỳ qua thì ông nói rằng quan trọng phải cho những người đấy một cơ chế, một đường băng và họ biết họ phải làm gì…
Cạnh ông Dũng, bầu Đức chịu ngồi vào ghế phó chủ tịch tài chính cũng là một cánh tay ủng hộ ông Dũng rất nhiều trong việc “góp vốn” và góp “tài sản U-19” làm tiền đề phát triển bóng đá trẻ.
Một nhiệm kỳ mới bắt đầu với tư tưởng của những doanh nhân liệu có làm mới được bóng đá Việt Nam đụng đâu sửa đó và còn nhiều thứ phải làm gắn với chiến lược phát triển 2020 và tầm nhìn 2030?
NGUYỄN NGUYÊN