Người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm mới được quảng cáo?

(PLO)- Nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị cấm sóng, uy tín bị ảnh hưởng, người hâm mộ quay lưng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung tiêu chí và trách nhiệm của người có tầm ảnh hưởng trong hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Theo đó, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người có tầm ảnh hưởng phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Liệu quy định này có loại bỏ được tình trạng người nổi tiếng, KOLs, nghệ sỹ… quảng cáo sai sự thật? PLO trao đổi cùng ông Nguyễn Quang Nhựt, Chuyên gia ngành Quảng cáo- Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM xung quanh vấn đề này.

người nổi tiếng.jpg
Ông Nguyễn Quang Nhựt, Chuyên gia ngành Quảng cáo-Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM

Thị phần quảng cáo thông qua người nổi tiếng có suy giảm

.Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua có không ít nghệ sỹ nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng tham gia quảng cáo “nói quá sự thật”. Điều này ảnh hưởng đến thị trường quảng cáo thế nào?

+ Ông Nguyễn Quang Nhựt: Ngành quảng cáo online có một mảng là mời người nổi tiếng, KOLs (người có sức ảnh hưởng), KOC (những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường)…quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình.

Thời gian qua một số người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật được các cơ quan truyền thông phản ảnh làm cho thị phần quảng cáo bằng hình thức thông qua những người có ảnh hưởng có suy giảm. Đồng thời, vấn đề này cũng "góp phần" gây mất niềm tin của người tiêu dùng vào ngành quảng cáo.

.Dự thảo Luật sửa đổi đưa ra tiêu chí người có tầm ảnh hưởng thì tài khoản mạng xã hội phải có 500 ngàn người theo dõi trở lên. Như vậy có đảm bảo trong việc xác định, chế tài nếu người nổi tiếng vi phạm quảng cáo sai sự thật không, thưa ông?

+ Vì sao tài khoản mạng xã hội của một người phải có từ 500.000 người theo dõi trở lên thì được xác định là người có ảnh hưởng mà không phải là 400.000 ? Tôi cho rằng quy định này cũng khá hợp lý. Tuy nhiên, tại Việt Nam tài khoản ảo trên các nền tảng mạng xã hội rất nhiều.

Vì vậy, theo đó, với tiêu chí 500.000 người theo dõi trở lên trên một tài khoản mạng xã hội hay là tính chung nhiều mạng xã hội như Instagram, Linked, Tiktok… thì luật cần quy định cần nêu rõ hơn.

Ví dụ một người nổi tiếng review, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng có trên 1 triệu view. Nhưng những bài này thường có lượng view thật rất thấp, chủ yếu họ chạy quảng khác trên các trang khác để đẩy view. Hơn nữa, những nền tảng như Tiktok căn cứ vào chất lượng nội dung quảng cáo đó mới thu hút người xem.

Do đó, nếu cần thiết Luật quy định thêm lượng view trên mỗi bài đăng ở các tài khoản mạng xã hội, từ đó xác định rõ ràng hơn “người có tầm ảnh hưởng”.

.Luật quảng cáo sửa đổi cũng quy định người có tầm ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội phải có bằng chứng trực tiếp sử dụng sản phẩm. Theo ông, quy định này có khả thi trong thực tế?

+ Theo tôi quy định này sẽ khả thi trong thực tế. Ví dụ một KOLs, KOC… khi sử dụng sản phẩm mỹ phẩm đều có quay video hoặc chụp hình thì trên mỗi video hay hình chụp đều có lưu rất rõ ngày chụp.

Nếu người tiêu dùng phát hiện và phản ảnh lên cơ quan chức năng sản phẩm không hiệu quả, không đúng như KOLs, người nổi tiếng đã quảng cáo mà họ không đưa ra bằng chứng rõ ràng về âm thanh, hình ảnh, video trước đó đã sử dụng thì vi phạm quảng cáo sai sự thật.

Bên cạnh đó, với quy định này, người có tầm ảnh hưởng, các KOLs trước khi quảng cáo sẽ nhận sản phẩm dùng thử. Nếu họ cảm thấy sản phẩm tốt sẽ ký hợp đồng quảng bá, ngược lại họ sẽ từ chối. Tuy nhiên, tùy cá nhân cũng sẽ có ngoại lệ.

.Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội cá nhân, những nghệ sỹ nổi tiếng cũng livestream giới thiệu nông sản như sầu riêng, gạo, mắm … liệu những mặt hàng này có thể nằm ngoài quy định không thưa ông?

+ Hiện nay các mặt hàng thực phẩm chế biến, nông sản đang bày bán ở thị trường vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm…. Tuy nhiên, đối với hoạt động livestream bán các mặt hàng nông sản như sầu riêng, mắm theo quy định các KOLs, người nổi tiếng phải có “bằng chứng trực tiếp sử dụng” sẽ khó khăn bởi cảm xúc, khẩu vị của mỗi người sẽ khác nhau.

Do đó, Luật sửa đổi cần xem xét bởi thực tế những mặt hàng này vẫn đang được tiêu thụ ở thị trường phổ biến. Riêng đối những sản phẩm nhập khẩu hay thực phẩm chế biến đã tuân thủ theo quy định pháp luật, khi người nổi tiếng quảng cáo bắt buộc phải tuân theo.

Số liệu từ Hội Quảng cáo TP.HCM, tổng giá trị thị trường quảng cáo của Việt Nam năm 2024 ước đạt 2,5 tỉ USD gồm tất cả các loại hình quảng cáo online, quảng cáo ngoài trời, báo đài, truyền hình…

Theo một kết quả nghiên cứu cho thấy năm 2023 tại Việt Nam những người nổi tiếng, các KOLs đã tạo ra 75,9 triệu USD, dự báo năm 2027 là 117,8 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép khoảng 11,62%.

Nếu quy định người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị cấm sóng sẽ tác động mạnh hơn xử phạt

.Theo ông, bên cạnh các quy định của pháp luật, ngành quảng cáo sẽ có giải pháp nào để hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện được tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật?

+ Theo tôi ngoài các chế tài, ngành quảng cáo cần có trách nhiệm trong vận động các doanh nghiệp nói không với quảng cáo sai sự thật.

Chúng tôi đề xuất các Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch… có những App hay website để trong những trường hợp nghi ngờ KOLs, KOC, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng có thể phản ảnh.

.Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay mức chế tài xử phạt đối với quảng cáo sai sự thật tối đa 200 triệu đồng chưa đủ răn đe. Sắp tới khi Luật sửa đổi thông qua, ngành quảng cáo có những đề xuất chế tài nào đối với hoạt động này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thưa ông?

+ Tôi cho rằng mức xử phạt này tương đối cao và có giá trị răn đe. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần tuyên truyền để những người nổi tiếng khi quảng bá cho một sản phẩm, dịch vụ bên cạnh tuân theo các quy định pháp luật cần phải có “tâm”.

Đồng thời so với cơ chế xử phạt, nếu quy định người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị cấm sóng, uy tín bị ảnh hưởng người hâm mộ quay lưng. Lúc đó họ sẽ không tiếp tay tham gia quảng cáo sai sự thật dù số tiền họ nhận được không nhỏ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngành quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng ngày một khẳng định được vị trí.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến của các phương tiện quảng cáo, trong đó mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, Luật Quảng cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Hiện nay dự thảo Luật sửa đổi, quy định người có ảnh hưởng tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo…

Nghị định 55/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, “người có ảnh hưởng” là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm