Những giọt nước mắt nặng nề trôi xuống khi Nguyễn Thị Ái Lan, nguyên trưởng phòng Nguồn vốn hội sở DAB, tự bào chữa cho mình. Người phụ nữ 45 tuổi, chưa đầy 40 kg thừa nhận việc tham gia chi lãi ngoài là vi phạm pháp luật, có lỗi.
Nguyễn Thị Ái Lan, nguyên trưởng phòng Nguồn vốn DAB, chiều nay, 10-12.
Với thâm niên hơn 20 năm làm việc tại DAB, bà nhận nhiều bằng khen, giấy khen của thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi vụ án bị khởi tố năm 2016, bà vẫn được ban tổng giám đốc và HĐQT mới tin dùng và tiếp tục bổ nhiệm làm trưởng phòng Quản lý tài sản nợ và có của DAB.
Khi bà bị khởi tố bắt tạm giam, ngân hàng có quyết định tạm dừng công việc. Lãnh đạo mới động viên nếu cơ quan tố tụng cho hưởng án treo thì ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục nhận lại vào làm việc...
Bị cáo Ái Lan bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cáo buộc, bà có hai hành vi phạm tội là kinh doanh ngoại hối trái phép, chi lãi suất ngoài trái phép, tổng cộng gây thiệt hại cho DAB hơn 820 tỉ đồng. Tại CQĐT và tại tòa, bị cáo Lan kêu oan.
LS bào chữa cho bị cáo không tranh luận về tội danh truy tố. Tuy nhiên, theo LS thì cáo trạng truy tố bị cáo đến khoản 3 và đề nghị mức hình phạt 10-12 năm là quá nặng.
Theo LS, bị cáo Ái Lan không giúp sức cho ông Bình cố ý làm trái gây thiệt hại cho DAB trong việc kinh doanh ngoại hối bởi bà chỉ là nhân viên thực hiện công việc theo quy trình có sẵn của DAB, hoàn toàn không ý thức được việc kinh doanh ngoại tệ trái phép và lập phiếu thu ngoại tệ là khống.
Bị cáo không có động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi lập phiếu thu, chỉ thực hiện vì tin tưởng mình đang làm đúng theo quy trình của DAB.
Ái Lan không liên quan đến việc chuyển tiền cắt lỗ trả nợ đối tác bởi chính cựu tổng giám đốc đã thừa nhận việc chuyển tiền đến các tài khoản của đối tác do ông Bình chỉ đạo trực tiếp phòng kinh doanh thực hiện. Ông không chỉ đạo phòng nguồn vốn hoặc bản thân Ái Lan.
Ái Lan chỉ làm việc theo quy trình sẵn có tại ngân hàng là lập phiếu thu khi có quyết định nhập khẩu ngoại tệ và đề nghị thanh toán của phòng kinh doanh. Số tiền USD này sau đó được thủ quỹ thu đủ, như vậy piếu thu này là có thực, không phải “khống” như quy kết. Còn nguồn ngoại tệ này có từ đâu thì theo quy trình DAB, Ái Lan với tư cách nhân viên phòng nguồn vốn không có nhiệm vụ phải xác minh làm rõ.
Như vậy, nội dung cáo trạng chưa làm sáng tỏ được vấn đề Ái Lan cố ý lập phiếu thu khống theo chỉ đạo của ông Bình với ý thức là đang giúp sức ông Bình che giấu thua lỗ.
Ái Lan không liên quan đến việc xuất vàng và tiền mặt mua USD bù âm quỹ tại DAB. Bởi lẽ hành vi cố ý làm trái của ông Bình đã hoàn thành từ thời điểm 2005, khi xảy ra thua lỗ. Vì vậy, việc ông Bình chỉ đạo lập hồ sơ nhập khống ngoại tệ và xuất quỹ vàng tiền mặt để mua ngoại tệ bù quỹ chỉ là hành vi nhằm che giấu khoản lỗ này. Hành vi che giấu thực tế không gây thiệt hại cho DAB vì thiệt hại đã xảy ra trước đó. LS đề nghị HĐXX hành vi lập phiếu thu của Ái Lan đã xảy ra sau thời điểm hậu quả thua lỗ xảy ra (tức thời điểm tội phạm hoàn thành đối với hành vi cố ý làm trái của ông Bình trong việc kinh doanh ngoại hối).
Tại phiên tòa, Ái Lan đã nhận thức được mình có tham gia chi lãi ngoài là vi phạm pháp luật, có lỗi. Với vai trò là trưởng phòng nguồn vốn, Ái Lan biết Bà Xuyến trực tiếp giao việc cho nhân viên của mình làm nhưng không có ý kiến gì và có tham gia cùng với Trần Khánh Hoàng tổng hợp báo cáo bảng chi phí khác huy động vốn từ các đơn vị kinh doanh gửi về. Như vậy là Ái Lan cũng có tham gia chi lãi ngoài nhưng xét về vai trò, vị trí thì Ái Lan không có quyền quyết định duyệt mức lãi suất, duyệt danh sách, số tiền và xuất quỹ chi tiền, không trực tiếp chỉ đạo triển khai đối với hành vi chi lãi ngoài.
Theo LS, Ái Lan có tham gia trong việc chi lãi ngoài nhưng vai trò không mang tính quyết định nên không thể xem là giúp sức tích cực cho hai cựu lãnh đạo ngân hàng.