Chiều 26-6, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ (66 tuổi), được tuyến dưới chẩn đoán bị u thận trái.
Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được tiến hành kiểm tra và đánh giá lại toàn bộ, chẩn đoán trước khi mổ cắt khối u, sau đó được chỉ định phẫu thuật gỡ dính, cắt lấy khối giả u thận và sỏi thận.
Tuy nhiên, sau khi mổ, kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật khẳng định đây chỉ là một khối giả u thận do dị vật là miếng gạc phẫu thuật còn sót trong ổ bụng từ lần phẫu thuật trước đó. Cụ thể, khối giả u này có phần chính giữa mủn, trắng, có chứa các đoạn chỉ, sợi ngắn màu trắng như gạc.
Bệnh nhân chia sẻ từng có tiền sử phẫu thuật lấy sỏi thận trái cách đây 14 năm theo phương pháp mổ mở. Trong suốt thời gian sau mổ lấy sỏi thận ấy, sức khoẻ bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng gì đặc biệt.
Thời gian gần đây, bệnh nhân đi kiểm tra sức khoẻ ở tuyến dưới, phát hiện có một khối u thận trái kích thước 30 x 35 mm và vài viên sỏi thận. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp hi hữu, bệnh cảnh rất hiếm gặp và gây khó khăn trong việc đánh giá chẩn đoán hình ảnh, dẫn đến chẩn đoán không chính xác trước phẫu thuật.
TS Nguyễn Việt Hải, Khoa Tiết niệu trên cho biết trong trường hợp này miếng gạc nằm trong bụng này đã không được phát hiện suốt 14 năm liền, gây phản ứng viêm, xơ hoá xung quanh, hoại tử, thoái hoá, sợi gạc bị tiêu biến dần nên không dễ dàng phát hiện.
Cũng theo bác sĩ Hải, trong phẫu thuật, băng gạc rất quan trọng để giúp thấm máu, giúp các phẫu thuật viên quan sát trường mổ được rõ ràng và thuận lợi. Số lượng gạc được đưa vào để thấm máu sẽ được lấy ra, đếm lại số lượng.
Tuy nhiên, trong những cuộc phẫu thuật lớn, kéo dài, số lượng băng gạc sử dụng lớn, cùng với sự căng thẳng của bác sĩ và điều dưỡng trong suốt cuộc mổ có thể khó tránh khỏi thiếu sót.