Ngày 15-5, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết vừa cấp cứu thành công cho một thai phụ đặc biệt khi mang thai tự nhiên với 1 thai trong tử cung (7 tuần) và 1 thai ngoài tử cung.
Đáng lưu ý, thai phụ 23 tuổi (ngụ ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã đi khám tại 5 bệnh viện ở 3 tỉnh khác nhau, nhưng đều không phát hiện được tình trạng trên.
Cho đến khi thai ngoài tử cung vỡ khiến máu chảy trong ổ bụng, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu, trong quá trình phẫu thuật nội soi để bảo toàn sức khỏe cho mẹ và thai nhi 7 tuần tuổi, các bác sĩ mới phát hiện ra trường hợp hi hữu này.
Theo lời kể của thai phụ, cách 5 ngày trước khi nhập viện, chị thấy có hiện tượng đau bụng, nhưng nghĩ là do rối loạn tiêu hoá nên không đi khám.
3 ngày trước khi nhập viện, thai phụ thấy bụng đau nhiều hơn, đến một bệnh viện ở Thái Bình khám thì được chẩn đoán dọa sảy thai kèm rối loạn tiêu hoá. Tại đây, chị được theo dõi điều trị 1 ngày, sau đó được kê đơn thuốc về nhà uống.
2 ngày sau, chị lại thấy buồn nôn, chóng mặt, đau bụng và hay đi ngoài, được đưa đến bệnh viện tuyến huyện ở Bắc Giang, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để điều trị.
Qua siêu âm, các bác sĩ nhận thấy thai phụ có 1 thai trong tử cung và 1 khối tăng âm cạnh trái tử cung.
Nhận định thai phụ bị vỡ nang buồng trứng, cần phải phẫu thuật cấp cứu để cầm máu, các bác sĩ đã tiêm thuốc nội tiết Progesteron trước khi mổ để chống sảy thai, sau đó phẫu thuật nội soi.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi, kíp mổ phát hiện khối thai ngoài tử cung chuyển màu tím sẫm và đã có điểm vỡ chảy máu.
Các bác sĩ cắt khối chửa ngoài tử cung, lấy hết máu cục, rửa sạch ổ bụng để tránh áp xe tồn dư và dính ruột. Ca mổ kéo dài 2 tiếng.
2 ngày sau phẫu thuật, sức khoẻ thai phụ ổn định, thai nhi trong tử cung phát triển bình thường.
Theo Giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bác sĩ Lê Công Tước, trường hợp mang song thai mà có 1 thai trong tử cung và 1 thai ngoài tử cung có thể xảy ra ở bệnh nhân được kích thích buồng trứng để tạo nhiều nang noãn hoặc làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Còn với trường hợp mang thai tự nhiên như thai phụ trên thì vô cùng hiếm gặp, tần suất 1/30.000 người.