Người suốt đời đi tìm cái thiện

Tôi không khỏi ngạc nhiên, một người như Sơn Tùng mà lại ngụ ở một căn nhà xoàng như vậy tại thủ đô Hà Nội, có đủ loại khách xa gần trong nước, ngoài nước thường xuyên tới thăm?

Người suốt đời đi tìm cái thiện ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi, động viên nhà văn Sơn Tùng tại Bệnh viện Y học cổ truyền (ảnh chụp ngày 21/10/2010). 

Sơn Tùng là một nhà văn đi nhiều, học rộng, có mối tâm giao với nhiều nhà văn hóa lớn ở nhiều thế hệ như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai cùng các nghệ sĩ và học giả nổi tiếng như Nguyễn Khắc Viện, Văn Cao, Phan Ngọc… Và niềm hạnh phúc lớn lao nhất đời là ông từng được sống và làm việc bên Bác Hồ.

Nếu ai nhìn vào tập hồ sơ bệnh án của một thương binh nặng (hạng ) thì hẳn khó tưởng tượng được bằng cách nào Sơn Tùng còn sống và viết được cho đến hôm nay. Nhưng đó là sự thực. Sơn Tùng đã quyết sống và có ích cho đời. Ai đã cứu ông trở lại với đời? Tất nhiên có đồng đội có thày thuốc có người vợ thấu tình. Song chưa đủ. Chính Sơn Tùng đã cứu mình ra khỏi những cái chết kề bên, những cơn bệnh dày vò trên 40 năm qua để có một đời văn cao đẹp đến không ngờ. Ông luyện tập thân thể bằng mọi cách, ông rèn tinh thần bằng mọi khả năng. Ông chú trọng quan niệm "trị bệnh không dùng thuốc". Phải chăng ý chí "lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều" nên ở tuổi 83 Sơn Tùng vẫn có một bộ óc như "cuốn từ điển sống", minh mẫn đến lạ thường!

Sơn Tùng bước vào nghiệp văn không định trước. Năm 1950 ông bắt đầu viết những trang ký về kháng chiến. Năm 1955 ông cho ra đời bài thơ đầu tay "Gửi em chiếc nón bài thơ" đã trở thành bài hát. Rồi tiếp đến ông là nhà báo chiến trường, nhà văn của những trang ký và tiểu thuyết. "Búp sen xanh" ra đời trước thời kỳ Đổi mới, gây xôn xao dư luận bởi một cây bút dám đưa chuyện riêng tư của vĩ nhân vào tiểu thuyết, nhưng rồi chính cái hồn của "Búp Sen xanh" đã tự tìm lấy chỗ đứng vững chắc trong bạn đọc. Nhà văn phải biết khám phá cái bình thường và cao cả sống trong mỗi con người.

Sơn Tùng viết về lãnh tụ với một niềm đam mê bất tận. Ông muốn khám phá kho báu tinh thần của dân tộc kết tinh trong một con người vĩ đại, nên ông mải miết hành trình để đi tới tận cùng của cái chân, thiện, mĩ mong dâng hiến tất cả cho hiện tại với tương lai. Tác phẩm của ông đã được nhiều học giả từ nhiều quốc gia Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan… quan tâm.

Mỗi lần gặp gỡ nhà văn Sơn Tùng, ra về tôi đều mang theo tâm trạng vừa khâm phục kính yêu vừa bồi hồi suy tưởng. Một ngày cuối đông Kỷ Sửu, nhà văn đã tâm sự với tôi, ông còn nhiều món nợ: Cùng với "Chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn", ông còn "món nợ" với vùng quê Hoa Lũy, Diễn Châu, Nghệ An, nơi ông cất tiếng khóc chào đời bên biển, nơi có nhiều câu chuyện xúc động của ngư dân và những sự tích về Cá Ông Voi, ông vẫn chưa làm trọn vì nhiều lúc nâng cây bút lên viết, từ vết thương sọ não máu lại thấm ra… "Còn sống còn nghĩ được thì còn viết cháu ạ! Cái Đức của tổ tiên mình lớn lắm, nhà văn nhà giáo phải giữ cho trọn nghĩa để con cháu mình còn đi tiếp. Bác Hồ khi còn sống, vừa toan tính việc nước, nhưng luôn lo lắng tới tương lai…".

Gần gũi Sơn Tùng, tôi cảm nhận đây là một nhà văn nhạy cảm với cái đẹp và cái thiện cùng những mặt trái của phạm trù này ở khắp nơi, cảm hứng trong ông luôn bắt nguồn từ cái thực và quyết tâm đi đến cùng cái thiện. Ông là Sơn Tùng, đúng với hàm nghĩa văn chương của các bậc tiền nhân nói về một loài cây dãi dầu sương gió trên non cao rừng thẳm nhưng có một khoảng trời lộng lộng, bao la để hiến dâng cho đời hổ phách, phục linh. Được tin nhà văn mệt nặng, tôi cầu mong ông tai qua nạn khỏi, sức khỏe sớm bình phục để đi tiếp lộ trình cao đẹp mà ông đã chọn từ thuở thanh xuân...

  
Theo Trần Mạnh Tiến (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm