Người tự xưng là ‘sư thầy Thích Tâm Phúc’ nói gì khi bị bắt?

(PLO)- Tại cơ quan điều tra Công an huyện Củ Chi, người tự xưng là sư thầy Thích Tâm Phúc nhiều lần cười hề hề và cho rằng mình bị oan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-12, Công an huyện Củ Chi, TP.HCM vẫn đang điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Minh Phúc (tự xưng là sư thầy Thích Tâm Phúc; 40 tuổi, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Theo điều tra, năm 2021, bà T, 50 tuổi, mua thửa đất hơn 420 m2 ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, với giá 2,4 tỷ đồng. Năm sau đó, thông qua người quen, bà nhờ ông Phúc làm thủ tục tách thành hai thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng riêng.

Người tự xưng là ‘sư thầy Thích Tâm Phúc’ nói gì khi bị bắt
Ông Phúc hiện đã bị khởi tố, bắt giam về tội lừa đảo. Ảnh: CA

Cơ quan điều tra xác định, Phúc không có khả năng để làm thủ tục tách thửa đất và cũng không có mối quan hệ nào để có thể làm thủ tục tách thửa đất. Tuy nhiên, do có quen biết và nhiều lần thuê người làm giấy tờ giả, bằng cấp giả để tạo lòng tin tôn giáo nhằm lừa đảo người khác nên Phúc nhận lời.

Người tự xưng là ‘sư thầy Thích Tâm Phúc’ nói gì khi bị bắt
Tại cơ quan điều tra, ông Phúc nhiều lần quanh co

Phúc đồng ý làm với chi phí là 135 triệu đồng, nhận trước 70 triệu. Tuy nhiên, thay vì làm thật thì ông này đã lên mạng xã hội thuê làm hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, đưa một tờ cho bà T và ra yêu cầu cần chuyển nốt số tiền mới đưa phần còn lại.

Biết bị điều tra, "sư thầy Thích Tâm Phúc" trốn sang Thái Lan, khi trở về nước thì bị cảnh sát triệu tập. Khám xét nhà bị can, cơ quan điều tra thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan vụ án.

Người tự xưng là ‘sư thầy Thích Tâm Phúc’ nói gì khi bị bắt
Ông Phúc từng gây xôn xao trên mạng khi xưng là nhà sư và có những phát ngôn, hành vi khiến người dân phản ứng. Ảnh: CA

Tại cơ quan điều tra, ông Phúc tỏ thái độ bên ngoài là hợp tác, nhiều lần cười hề hề cho rằng mình bị oan uổng, là nạn nhân của các đối tượng làm giấy tờ giả và không hề biết các giấy tờ đất là giả.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp đấu tranh và những bằng chứng rõ ràng ông Phúc đã có các mối quan hệ với những đối tượng làm giả giấy tờ từ trước. Ông này cũng từng xài các giấy tờ giả để hoạt động tôn giáo trái phép. Với các bằng chứng này, "sư thầy Thích Tâm Phúc" phải cúi đầu nhận tội.

Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ, thực hiện thêm các biện pháp tố tụng theo quy định như giám định tâm thần, tìm thêm bị hại của ông Phúc để mở rộng điều tra vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm