Dù được thể hiện dưới dạng tiểu thuyết nhưng cuốn sách như một cuốn hồi ký về cuộc đời của một con người với đầy những thăng trầm, biến cố.
Ra tù… khởi nghiệp tuổi ở 63
Cái tên Nguyễn Hữu Khai không còn xa lạ với công chúng, ông chính là nguyên mẫu trong bộ phim “Đường đời” từng được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Lần vào tù đầu tiên của ông là năm 1979, ông Khai bị công an bắt và phạt tù 3 năm vì tội giả mạo giấy tờ vượt biên trái phép. Ra tù ông về quê hành nghề chữa bệnh bằng Đông y và bắt đầu được chú ý sau khi chữa khỏi bệnh mù lòa cho cô em gái. Song cũng từ đây, ông bị kẻ xấu hãm hại triệt đường sống đến nỗi phải bán xới để vào Nam lập nghiệp, rồi tìm đường “xuất ngoại” sang Trung Quốc, Liên Xô cũ để mở rộng thị trường.
Nhờ nỗ lực không mệt mỏi đó, năm 1990, Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long - là tiền thân của Tập đoàn Y dược Bảo Long sau này - được thành lập rồi sau đó vươn ra thị trường miền Bắc trong đó có quê hương bản quán của ông là vùng Xứ Đoài.
Ở thời kỳ đỉnh cao của mình (vào khoảng năm 2004-2008), Bảo Long được coi là Tập đoàn Y dược lớn mạnh cả trong và ngoài nước, với hàng ngàn cán bộ công nhân viên, sở hữu khối tài sản hàng ngàn tỉ với 15 công ty, trường học, bệnh viện từ TP.HCM đến Sìn Hồ, Lai Châu và Bảo Long võ đường truyền dạy môn phái “Bảo Long y võ” được báo chí gọi là “Thiếu Lâm Tự xứ Đoài”.
Tuy nhiên, năm 2013 ông lại vướng vòng lao lý khi bị bắt về tội danh “sử dụng trái phép tài sản". Cụ thể, năm 2011, ông Nguyễn Trường Sơn đại diện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn ký kết “Hợp đồng khoán kinh doanh” với ông Nguyễn Hữu Khai, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long. Theo 2 hợp đồng, tập đoàn Bảo Sơn giao cho Bảo Long số tiền 10 tỉ đồng “để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh theo hình thức khoán kinh doanh hàng tháng”.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, ông Khai đã dùng số tiền này để trả nợ, sau đó không có khả năng hoàn trả vốn. Cơ quan chức năng còn xác định, ông Khai đã chiếm giữ đất đai đã bán cho tập đoàn Bảo Sơn không chịu bàn giao.
Theo ông Khai, đây thực chất là một phần trong số tiền mà Bảo Long bán ba thương hiệu của mình cho Bảo Sơn hòng cứu lấy tập đoàn trong cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, trong khi thương vụ này còn đang chưa thống nhất thì xảy ra tranh chấp và ông cho rằng hậu quả là một người không hề biết đến tiểu xảo kinh doanh như mình đã bị một đối thủ “nặng ký” chơi ác dẫn đến phá sản và vướng vào lao lý.
Sau 26 tháng tù tội, tháng 8-2015 ông được Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá trả tự do. Đầu năm 2015, ở tuổi 63 ra tù với hai bàn tay trắng, ông lại khởi nghiệp lại từ đầu bằng việc xây dựng lại Tập đoàn Y dược Bảo Long.
Chủ tịch tập đoàn Y Dược Bảo Long (phải) tại buổi ra mắt cuốn sách.
Sách như đời, đời như sách
Tại buổi ra mắt sách, không ít lần tác giả Nguyễn Hữu Khai đã cố kìm cảm xúc để không để nước mắt rơi mỗi khi kể về thăng trầm đời mình. Nhất là thời gian ông phải ngồi tù.
Người đàn ông đã đi qua những biến cố dữ dội nhất, một người thầy thuốc nổi danh, am tường võ học có lúc đã từng tuyệt vọng khi bị đẩy vào vòng tù tội. Ông tâm sự, trong những phút giây đó ông đã tìm đến văn chương, vịn văn chương mà đứng dậy. Và cuốn tiểu thuyết “Đường đời dốc đứng” đã ra đời như thế trong thời gian ông thụ án.
Điều kiện trong tù rất khó khăn nhưng ông vẫn tìm mọi cách để có thể ghi chép hoặc ghi nhớ những ý tưởng, những câu chữ ngôn từ bằng những chất liệu mình có trong tay.
Cuốn sách 600 trang được chia thành 2 phần: Nối tiếp đường đời và Chuyện trong tù. Dù là tiểu thuyết, nhưng cuốn sách như một cuốn hồi ký cuộc đời của người thầy thuốc Nguyễn Hữu Khai, trong đó có cả cuộc hôn nhân đầy bão tố, đặc biệt là cuộc hôn nhân với người vợ thứ 4.
Nhân vật Hải trong phim “Đường Đời” mà ông Khai là nguyên mẫu được phát sóng trên VTV3
Cuộc hôn nhân mà ông phải đối mặt với người vợ cũ để đi đến với hôn nhân muộn màng có lúc tưởng chừng như không thể diễn ra. “Người vợ trước của tôi đã từng tuyên bố, nếu anh vẫn quyết định cưới cô ấy thì em sẽ biến đám cưới của anh thành đám tang. Cô ấy có thể làm được điều đó. Nhưng khi biết không thể chống tôi bằng bạo lực, cô ấy chống tôi bằng cách khác”, tác giả Nguyễn Hữu Khai kể lại.
Đám cưới cuối cùng cũng diễn ra thuận lợi nhưng rồi người vợ thứ 4, người vợ mà ông phải gian nan để giật giành hạnh phúc, người vợ được đề cập đến trong cuốn sách đã “Tiếng tim rối nhịp bức bách, rộn ràng mang tín hiệu lâm sàng cần cấp cứu…” cũng chấm hết khi ông vào tù.