Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Cao Cường (quận 7, TP.HCM) khiếu nại các CSGT ở Đội 6, Phòng 10 (Cục CSGT, Bộ Công an) về việc CSGT chỉ cho xem qua điện thoại cá nhân mà không cho xem trên máy đo tốc độ, biên bản xử phạt cũng không có dấu mộc…, nhiều bạn đọc đã tranh luận và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự việc.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đang xử phạt vi phạm qua hình ảnh. Ảnh: LÊ THOA
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, PC67 Công an TP.HCM cung cấp một số thông tin sau:
Phòng CSGT không dùng điện thoại để xử lý vi phạm
PC67 cho biết nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực xử lý vi phạm, một số đơn vị của lực lượng CSGT đã được trang bị máy đo tốc độ, camera, máy tính xách tay, máy tính bảng để kịp thời trích xuất hình ảnh, tra cứu vi phạm nhằm nâng cao tỉ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh.
Vì vậy, khi CSGT dừng người vi phạm và cho người vi phạm xem lại hình ảnh vi phạm trên máy tính xách tay, máy tính bảng là những hình ảnh đã được các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước đó ghi nhận và truyền tải lên các thiết bị cầm tay nhằm nhanh chóng giúp người vi phạm xem lại hình ảnh vi phạm của mình để đảm bảo tính thuyết phục trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Trong trường hợp người vi phạm vẫn không đồng tình với hình ảnh trên các thiết bị này thì lực lượng CSGT sẽ hướng dẫn người vi phạm đến cơ quan đơn vị để được xem lại hình ảnh, kết quả ghi thu được từ các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước đó.
Tuy nhiên, hiện nay các đội CSGT trực thuộc PC67 chỉ sử dụng máy tính xách tay đã qua kiểm định, được Bộ Công an trang cấp kèm theo máy đo tốc độ. Do vậy, Phòng không sử dụng điện thoại hay máy tính bảng để cho người dân xem hình ảnh vi phạm tốc độ.
Theo quy định, những máy móc trang bị cho CSGT đều qua đấu thầu, kiểm định và việc sử dụng phương tiện nào, máy tính hay điện thoại đều phải đảm bảo quy định đó, tùy theo mỗi địa phương.
Xem hình ảnh vi phạm trên máy đo tốc độ: Xem ngay hoặc xem sau
PC67 khẳng định việc đề nghị được xem lại hình ảnh vi phạm tốc độ trên máy đo tốc độ là đúng quy định.
Tuy nhiên, Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an ban hành ngày 4-1-2016 về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực kể từ ngày 15-2-2016 thì "Trường hợp người vi phạm yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay nếu đã có hình ảnh, kết quả ghi thu được tại đó; nếu chưa có ngay hình ảnh, kết quả ghi, thu được thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh, kết quả ghi thu được khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị”.
Người vi phạm không được kiểm tra tem kiểm định
Đối với trường hợp người vi phạm đề nghị được xem, kiểm tra tem kiểm định của các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ nói chung và tem kiểm định của máy bắn tốc độ nói riêng thì PC67 khẳng định các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ (cụ thể là máy đo tốc độ) đã được cơ quan chức năng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 về quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và được lực lượng CSGT sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, người vi phạm không được yêu cầu kiểm tra tem kiểm định trên máy đo nồng độ cồn và giấy chứng nhận kiểm định của máy mà chỉ có các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu kiểm tra thì lực lượng CSGT mới cung cấp và cho kiểm tra thiết bị.
PC67 khẳng định biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định phải có dấu mộc của đơn vị chủ quản của đơn vị ban hành biên bản và không có bất kỳ biên bản nào của Phòng mà không có dấu mộc.
Không có quy định nào về việc đóng dấu treo Nhiều luật sư khẳng định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có quy định nào bắt buộc biên bản xử phạt vi phạm hành chính phải có dấu mộc. Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định con dấu treo góc trái biên bản có thể chỉ là thói quen chứ không có quy định nào yêu cầu việc đó. Trong quy định về các biểu mẫu để sử dụng khi xử phạt vi phạm hành chính cũng không nói về dấu treo. Còn phần ký tên của người lập biên bản cũng không yêu cầu đóng dấu. |