Người Việt tại Mỹ hỗ trợ nhau trong kinh doanh, vượt qua suy thoái kinh tế. Ảnh: Tuy Can
Helen Trinh, 40 tuổi, là chủ cửa hiệu váy cưới Phuong Trinh ở Little Vietnam Plaza, một trong 8 trung tâm thương mại sầm uất của người Việt tại Little Saigon ở quận Sacramento, bang California. Cô bắt đầu điều hành cửa hàng của mẹ mình từ năm 2007. "Bây giờ, chúng tôi cung cấp nhiều các dịch vụ đám cưới hơn", cô kể về cửa hàng của mình với dịch vụ cung cấp áo dài, vest và nhiều dịch vụ khác cho các khách hàng gốc Việt.
"Mẹ tôi có phong cách thời trang cũ, còn tôi muốn thêm nhiều các thiết kế mới, mẫu mã mới và tôi thông thạo tiếng Anh, nên tôi có thể giao lưu với nhiều người hơn", Trinh nói. Bây giờ, cửa hàng phục vụ 50 đám cưới một năm, 40% trong số đó là các đám cưới thuần Việt với áo dài và khăn đóng cho các cô dâu, 60% còn lại là các khách hàng gốc Hoa và một số ít đến từ các nước khác.
Rất nhiều các chủ doanh nghiệp trong đó có Trinh và gia đình cô đã từ các thành phố ở khu Bay Area để đến Little Saigon tìm nhà giá rẻ hơn và các cơ hội kinh doanh tốt hơn.
Một người trở về khác là Mike Nguyen, 42 tuổi, tốt nghiệp đại học California-Davis và có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, đã xin thôi việc ở Bay Area để tiếp quản công việc của cha mình về chuyển phát nhanh. Trong bốn năm, Nguyen tăng gấp ba không gian và doanh số của cửa hàng, nay cửa hàng của anh thu hút được khách hàng của mọi chủng tộc.
Ở cửa hàng đồ cưới, Trinh và mẹ của mình, bà Nhon Le, cùng làm việc. Bà Le bán đồ mỹ phẩm, vitamin và làm một chút công việc may vá. "Tôi không có đủ sức khỏe để để làm công việc thiết kế và cho ra những mẫu mới nên nhường lại cho con tôi", Le nói.
Hàng xóm của Trinh và bà Le là Scoot Truong, cũng đã rời San Jose sáu năm về trước để trông coi việc kinh doanh ở quán Huong Sen Tofu của gia đình. Truong nói: "Bây giờ cuộc sống tốt hơn nhiều, những người kinh doanh ở đây có thể hỗ trợ lẫn nhau".
Một người khác cũng di cư khỏi San Jose là Phung Co, quản lý cửa hàng đã 25 năm tuổi của gia đình mình, tập đoàn thẩm mỹ My Le. Co tự hào nói: "Chúng tôi có những thiết bị hiện đại với kỹ thuật mới, chúng tôi được giải thoát khỏi mùi hóa chất kinh khủng".
Little Saigon dường như là một lựa chọn đúng đắn với 2.000 người Việt sinh sống với hơn 100 nhà hàng và 6 siêu thị lớn nằm dọc suốt hơn 3 km ở đại lộ Stockton, và cộng đồng người Việt là cộng đồng người gốc Á lớn thứ tư tại quận Sacramento.
Có tới 75% số người Việt ở khu vực này đã có quốc tịch Mỹ, cao hơn nhiều so với cộng đồng người gốc Á khác. Và điều kiện kinh tế đi lên cũng giúp cho tỷ lệ phạm tội tại Little Saigon giảm xuống. Trong năm ngoái, chỉ có 39 người bị bắt vì tội trộm cắp, trong con số này năm 2007 là 61 người.
"Văn hóa truyền thống giúp chúng tôi biết được rằng mình luôn có thể dựa vào gia đình, nhất là trong những thời điểm khó khăn như hiện tại, nên chúng tôi quyết định về sinh sống cùng bố mẹ", Mai Nguyen, giám đốc văn phòng thương mại của người Mỹ gốc Việt tại Sacramento, cho biết.
Ngoài ra, Litte Saigon còn có hai tờ tuần san tiếng Việt, mỗi số phát hành dày hơn 250 trang và tràn ngập quảng cáo. Một trong hai tờ tuần san đó là "Lang", ra đời cách đây 11 năm, phát hành 5.000 cuốn ở Sacramento và 2.000 ở Stockton và Modesto.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế, tạp chí Lang bị mất nhiều quảng cáo về bất động sản, nhà hàng và đồ nội thất nhưng "tờ tạp chí sống sót nhờ vào sự ủng hộ của cộng đồng", Tam Nguyen, người sáng lập ra tạp chí Lang nói.
Dựa vào sự đùm bọc và hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, trong thời điểm suy thoái kinh tế, chỉ có 10% trong số 750 doanh nghiệp của người Việt ở Litte Saigon là không có việc làm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tại các khu vực khác ở Sacramento.
Để đạt được thành công như ở Little Saigon, Thuc Bui, một người Việt thế hệ thứ hai, phát triển thành công sự nghiệp kinh doanh của gia đình, nói: "Sự thành công nhờ vào cả hai thế hệ, nhờ vào thành tích học tập của thế hệ trẻ và sự hy sinh của thế hệ cha mẹ".
Thuc Bui ở cùng với cha. Trong nhà anh có hai chiếc TV màn hình lớn, một chiếc để anh xem tin tức và thể thao. Còn chiếc kia lớn hơn, 56 inches, để dành cho cha anh hàng ngày chăm chú xem các chương trình tiếng Việt.
Còn ông Nghia Bui, cha của anh, rất tự hào vì con trai của mình tốt nghiệp đại học California-Berkeley và trở về xây dựng Little Saigo. Ông cho biết đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ở đây, mọi người ngày nay có công việc tốt, kinh doanh phát đạt, trường học tốt, an ninh đảm bảo, làm ông cảm thấy hạnh phúc.
Theo Vũ Hà (VNE)