Nguồn vốn quốc tế sẵn sàng đầu tư vào năng lượng xanh tại Việt Nam

(PLO)- Phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua thu hút FDI.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên đối ngoại với chủ đề "Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương" đã diễn ra chiều nay, 18-12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21. Trong đó, vấn đề phát triển các nguồn năng lượng xanh nhận được nhiều sự quan tâm.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định đây là một "phiên đặc biệt" khi mà quy tụ cùng lúc các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các đại sứ, trưởng đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo 63 tỉnh, thành, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nguồn vốn quốc tế sẵn sàng đầu tư vào năng lượng xanh tại Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ cơ hội của Việt Nam như là điểm đến cho đầu tư vào năng lượng xanh.

Sức hút của Việt Nam trong dòng chảy đầu tư toàn cầu

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu đan xen cơ hội và thách thức đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI năm 2022, với lượng vốn tăng thêm khoảng 5% - đạt hơn 220 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước tới nay.

Nằm trong khu vực năng động ấy, Việt Nam là một điểm sáng tăng trưởng của kinh tế thế giới với tăng trưởng GDP cả năm 2023 dự báo đạt trên 5%. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Việt Nam đang “bắt nhịp” kịp thời với các xu thế mới, thích ứng với các quy định mới như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon…

Việt Nam cũng đã ban hành định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng; đang tiếp tục thiện thể chế để bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng. Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, đồng hành cùng các doanh nghiệp. Qua đó tạo cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư lên kế hoạch đầu tư lâu dài, nhất là trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Điểm cuối cùng và rất quan trọng, quan hệ của Việt Nam với các đối tác quốc tế lớn tiếp tục được mở rộng, làm sâu sắc và nâng tầm. Cục diện đối ngoại thuận lợi chưa từng có hiện nay là nền tảng để Việt Nam thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, kết hợp với các nguồn lực trong nước để phục vụ phát triển, và cũng tạo cơ hội để các đối tác mở rộng đầu tư – kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, theo hướng bền vững, gắn với phát triển năng lượng xanh.

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để đón dòng vốn đầu tư xanh

Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - ông Shantanu Chakraborty nhận xét, kinh tế thế giới năm qua đối mặt nhiều thách thức, nhưng Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý, quan hệ đối ngoại của quốc gia này có bước phát triển vượt bậc khi trong thời gian ngắn đón hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

nguon-von-quoc-te-san-sang-dau-tu-vao-nang-luong-xanh-tai-viet-nam.jpeg
Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - ông Shantanu Chakraborty

Ở vị thế thuận lợi ấy, theo giám đốc quốc gia ADB, Việt Nam cần nhận thức được cơ hội từ xu thế đầu tư xanh và phát triển bền vững trên bình diện toàn cầu đang ngày càng rõ nét. Đã đến nhiều tỉnh của Việt Nam những năm qua, ông Chakraborty nhận thấy rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời.

Trên toàn cầu, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh đã tăng từ 30 tỷ USD vào năm 2013 lên 1.800 tỷ USD vào năm 2021. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Việt Nam vì vậy đang ở vị trí rất thuận lợi để đón dòng vốn đầu tư xanh này.

Cùng mối quan tâm, ông Gabor Fluit - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhấn mạnh mong muốn củng cố mối quan hệ EU - Việt Nam thông qua các cơ chế hợp tác kinh tế xanh, năng lượng xanh, đảm bảo sự tăng trưởng của Việt Nam bền vững và toàn diện.

Khuôn khổ hợp tác ấy vừa qua đã được đưa lên tầm cao mới, với tầm nhìn về tương lai chung của mối quan hệ được thể hiện trong EVFTA. Được phê chuẩn ba năm trước, EVFTA đã đẩy mạnh thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Theo đó, Việt Nam đã thu hút hơn 26 tỷ USD vốn FDI từ EU.

Theo cuộc khảo sát gần đây của EuroCham, Việt Nam hiện đứng trong top ba điểm đến đầu tư toàn cầu đối với 31% thành viên của hiệp hội, với hơn một nửa dự định tăng FDI tại Việt Nam vào cuối năm 2023.

nguon-von-quoc-te-san-sang-dau-tu-vao-nang-luong-xanh-tai-viet-nam.jpg
Ông Gabor Fluit - hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Nhấn mạnh những thách thức mà cả doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam đối mặt giữa những thay đổi đang diễn ra trên toàn thế giới, ông Torben Minko cho biết EuroCham mong muốn hỗ trợ Việt Nam những công cụ cần thiết để thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới.

Từ đó thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tuân thủ các yêu cầu khắt khe trong chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển mạnh mẽ trong phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu. Mà muốn vậy, doanh nghiệp phải vượt qua thách thức khi cân nhắc giữa thích nghi dài hạn hay lợi ích tài chính trước mắt.

Người đứng đầu EuroCham nói đến một số lĩnh vực cụ thể mà hai bên có thể nỗ lực tăng cường hợp tác. Thứ nhất, du lịch bền vững với vấn đề cần giải quyết là quản lý chất thải tại các điểm du lịch. Thứ hai, thực thi quy tắc trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), vốn phức tạp và tốn thời gian. Thứ ba, cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), mà đôi bên phải phải thúc đẩy đối thoại trực tiếp giữa các bộ, ngành.

Ông Gabor Fluit nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách khuyến khích đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp chính bao gồm cắt giảm trợ cấp giá điện; tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận nguồn năng lượng xanh; nâng cao hiệu quả quản lý lưới điện...

Phát triển năng lượng xanh, kinh nghiệm tốt từ Ninh Thuận

Trong cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – ông Trần Quốc Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong phát triển năng lượng xanh cũng như kế hoạch thời gian tới của tỉnh đặt trong tổng thể Quy hoạch điện VIII của Chính phủ.

Thế mạnh riêng có của Ninh Thuận đến từ tổng số giờ nắng mỗi năm cao nhất Việt Nam, lên đến 2.800 giờ; tốc độ gió khoảng khoảng 15 mét/giây. Từ các Nghị quyết của Bộ Chính trị, rồi Chính phủ cụ thể hóa, và trực tiếp địa phương trên cơ sở đó ban hành các đề án cụ thể triển khai.

Kết quả, Ninh Thuận đã phát triển được 43 dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió với tổng công suất khoảng 3.300MW. Chỉ trong vài năm, từ một địa phương từng được coi như bất lợi về tự nhiên, đến nay Ninh Thuận đã phát triển rất thành công ngành năng lượng xanh nhờ vào chính sách từ trung ương hỗ trợ và tạo ra sự đột phá mới cho phát triển kinh tế, Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ.

Và quan trọng là, những bước đi chủ động như vậy đã đặt Ninh Thuận vào vị trí quan trọng trong thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm