Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết, thiếu thuốc điều trị

(PLO)-  Dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát ở phía Nam. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có 36 ca tử vong do sốt xuất huyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết, thiếu thuốc điều trị

Chiều 13-6, tại Hội nghị tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng chống sốt xuất huyết (SXH) khu vực phía Nam do Bộ Y tế tổ chức, các đại biểu bày tỏ nhiều lo lắng dịch SXH bùng phát. Trong khi đó, nhân sự chuyên trách mỏng, hóa chất diệt muỗi, thuốc điều trị có nguy cơ cạn kiệt do chậm đấu thầu. Do vậy, cần tập trung các giải pháp để kiềm chế số ca mắc bệnh.

Khó khăn bao vây

Về tình hình dịch SXH, BS Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TP.HCM, chỉ ra nhiều khó khăn khiến hoạt động kiểm soát dịch SXH chưa hiệu quả như: Thiếu kinh phí chi cho các hoạt động như phun hóa chất diệt muỗi; thiếu hóa chất, máy phun thuốc diệt muỗi; việc mua sắm hóa chất từ sau đợt dịch COVID-19 hầu như còn “nằm trên giấy”. BS Quang lo ngại nếu xài hết hóa chất thì các nơi sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn tới.

Nhân viên phun hóa chất diệt muỗi ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: ĐH

Nhân viên phun hóa chất diệt muỗi ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: ĐH

Bên cạnh đó, sau đợt dịch COVID-19, nhiều nhân sự chống dịch mới chưa được huấn luyện nhiều. Năm qua, các cơ sở khám chữa bệnh chuyển công năng khám chữa bệnh COVID-19 nên người dân chủ yếu đến cơ sở khám tư nhưng nơi đây không nhập liệu ca bệnh lên hệ thống nên nhiều ca bệnh bị bỏ sót, xử lý sót ổ dịch. Đồng thời, các cơ sở chữa bệnh cũng không mua kịp sinh phẩm chẩn đoán xác định ca bệnh, thiếu dịch truyền cao phân tử điều trị SXH…

“Các khoa đều có bác sĩ, điều dưỡng mới chưa có kinh nghiệm nhiều, đặc biệt là hệ thống y tế tỉnh, các nơi không có hướng dẫn quy trình cụ thể điều trị ngoại trú hay nhập viện. Khi bệnh nhân nặng đến khó phân biệt, diễn tiến ca bệnh nhanh, trở tay không kịp. Ngoài ra, người dân ngại đến bệnh viện công nên đến y tế tư trước, khi nặng mới đến y tế công. Khác mọi năm, bệnh nhân tới rất sớm. Dự báo ca bệnh tăng nhanh và số ca tử vong tiếp tục tăng nếu không có giải pháp kịp thời” - BS Quang nêu.

Người dân còn tâm lý chủ quan với dịch SXH

Chia sẻ về tình hình phòng chống dịch tại địa phương, BS CKII Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết trong hai năm dịch, số ca mắc SXH rất thấp nên người dân dễ nảy sinh tâm lý chủ quan. Bên cạnh đó, cán bộ y tế các cấp, nhân viên y tế các trạm y tế phần lớn là mới nên qua kiểm tra có tình trạng không nắm hết.

Bên cạnh đó, ông Hưng cho biết mặc dù đã có quy định xử phạt hành chính nhưng các quận, huyện còn xử phạt dè dặt, Sở Y tế đã yêu cầu các quận, huyện có số ca nóng phải tăng cường xử phạt. “Việc xử phạt không phải để làm khó người dân, mà thông qua việc xử phạt sẽ góp phần truyền thông và góp phần cộng hưởng các giải pháp” - BS Hưng nói.

Đại biểu Sở Y tế tỉnh An Giang cho hay tỉnh đang thiếu hóa chất diệt muỗi. “Đến thời điểm này, các hóa chất bắt đầu thiếu dù đã đấu thầu, hủy thầu do không đủ cơ sở phải làm lại, phải 1,5 tháng nữa mới mua được. Hiện chúng tôi đang cho chỉ định thầu rút gọn có kinh phí dưới 100 triệu đồng nhưng các nhân viên vẫn còn sợ. Còn dịch cao phân tử chỉ còn cầm cự 1-2 tháng” - đại diện tỉnh An Giang cho hay

36 ca tử vong

Tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 39.317 trường hợp mắc SXH nhập viện, trong đó có 1.193 ca mắc nặng và 36 trường hợp tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng gần gấp đôi. Đặc biệt, số ca mắc SXH tăng nhanh trong bốn tuần trở lại đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% ca tử vong tích lũy từ đầu năm đến nay.

Các địa phương có số ca mắc tăng cao là TP.HCM, Bình Dương, An Giang, Đồng Nai… Đây cũng là những địa phương có số trường hợp tử vong do SXH cao gồm: Tám ca ở TP.HCM, tám ca ở Bình Dương, năm ca ở Đồng Nai, năm ca ở Tây Ninh.

Còn tại tỉnh Bình Dương, sau dịch COVID-19, có hơn 300 nhân sự ở trạm y tế đã xin nghỉ việc, do vậy trạm y tế đang cực kỳ thiếu người, hiện tỉnh còn thiếu đến 500 nhân sự biên chế ở trạm y tế.

Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh nhận xét ý thức người dân còn khá chủ quan với bệnh SXH, không chủ động đến cơ sở khám chữa bệnh mà chủ yếu đến các cơ sở phòng khám tư khá nhiều.

“Khi bệnh nhân hết sốt chuyển giai đoạn nguy hiểm, hầu hết người nhà thường bỏ qua, trong khi đó đây là giai đoạn nặng. Sau dịch SXH, các trẻ béo phì, bệnh nền ở trẻ em cao hơn, số tử vong có bệnh nền ở trẻ em diễn tiến nặng và tử vong cao hơn hẳn. Ngoài ra, người nhà đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khá muộn nên chuyển lên tuyến trên rất muộn. Do vậy phải truyền thông để người dân có ý thức cao hơn, đặc biệt là trẻ béo phì, bệnh nền, phụ nữ mang thai” - ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, phân tích.

Về tình hình thuốc điều trị và dịch truyền SXH đang gặp nhiều khó khăn, ông Dương cũng cho biết đang đặt hàng Thái Lan - nơi sản xuất chủ yếu các loại dịch truyền điều trị SXH nhưng phải đến tháng 12 mới có. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý dược nhanh chóng có giải pháp.

Các tỉnh phải tự chủ động mua sắm hóa chất

Ghi nhận những khó khăn của các địa phương trong công tác phòng chống dịch, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng ngành y tế địa phương cần tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch để UBND các tỉnh, thành cùng vào cuộc trong vấn đề phòng chống dịch SXH. Hoạt động phòng chống dịch SXH cần tập trung chính là truyền thông, vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh, diệt muỗi, lăng quăng, xóa điểm nguy cơ… Ngoài ra, y tế địa phương cũng cần thực hiện tốt việc điều trị, tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân kịp thời điều trị các trường hợp mắc SXH, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng lưu ý các tỉnh phải tự chủ động mua sắm hóa chất và kinh phí vì việc này đã được giao về cho địa phương, không thể lấy lý do chưa đấu thầu hay sợ đấu thầu mà làm chậm trễ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm