Ngày 9-8, Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp triển khai công tác phòng, chống dịch.
Diễn biến dịch vẫn rất phức tạp
Tính đến chiều cùng ngày, cả nước ghi nhận 841 ca mắc COVID-19, trong đó 11 ca tử vong. đây đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng.
Ngoài ổ dịch lớn nhất tại ba bệnh viện (BV) ở Đà Nẵng, nhiều ổ dịch nhỏ đã xuất hiện, có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát. Đó là 20 trường hợp được phát hiện ở Đà Nẵng không liên quan đến các BV và ở một số tỉnh, TP khác.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng đến nay Việt Nam đã kiểm soát, khống chế được ổ dịch ở Đà Nẵng và tâm dịch ở BV Đà Nẵng, hạn chế được lây lan. Tuy nhiên, diễn biến dịch trong và ngoài nước vẫn rất phức tạp, nguy cơ thường trực ở các tỉnh.
Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết bộ này đã qua ba lần điều chỉnh chiến lược xét nghiệm theo hướng mở rộng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ, vừa ngăn lây nhiễm lại vừa phát hiện các trường hợp mới để cách ly, khoanh vùng.
“Chúng ta cũng đưa ra cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia xét nghiệm” - ông Long nhấn mạnh.
Kết luận vấn đề, ban chỉ đạo đánh giá năng lực xét nghiệm của Việt Nam tốt hơn rất nhiều lần so với trước, cả về sản xuất kit thử cũng như máy móc xét nghiệm. Tới đây, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xét nghiệm theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, lúc nào dùng xét nghiệm kháng thể, lúc nào dùng xét nghiệm PCR.
Tuy nhiên, ban chỉ đạo nhận định dù có tăng năng lực xét nghiệm đến mấy thì cũng không thể nào thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ người dân, ngay cả ở một tỉnh, trong một thời gian ngắn.
Do đó, giải pháp hiệu quả cần xác định và thực hiện ngay từ ban đầu là phải phát hiện thật sớm, truy vết nhanh và xét nghiệm theo các nhóm đối tượng được cơ quan y tế chỉ định.
Ngoài ra, các biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, sử dụng ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh như NCOVI, Bluezone… đều phải được thực hiện đồng bộ, không một giải pháp nào có thể thay thế cho tất cả.
Cán bộ Trung tâm y tế quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu dân cư thuộc phường An Hải Đông. Ảnh: BÙI TOÀN
Soạn “sổ tay” tổng kết kinh nghiệm thực tiễn
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy đến nay xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng tại một số địa phương nhưng chủ yếu liên quan đến các ca nhiễm ở cụm ba BV ở Đà Nẵng và một vài điểm ở Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, nhất là được siết lại cách đây một tuần, Việt Nam có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Không riêng Đà Nẵng hay Quảng Nam, hệ thống chống dịch, nòng cốt là lực lượng y tế, công an ở tất cả địa phương đã được khởi động trở lại rất nghiêm túc. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã thành lập năm đoàn kiểm tra xuống các địa phương.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nói cần sớm biên soạn “sổ tay” tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn ở Đà Nẵng, Quảng Nam với sự kết hợp của địa phương và lực lượng do Bộ Y tế cử vào.
Từ đó, các địa phương khác sẽ được hướng dẫn cụ thể để nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch ngay khi phát hiện ra ca nhiễm ở trong đô thị, BV, cộng đồng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường tuyên truyền để người dân ngoài việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài, giữ khoảng cách…) thì cũng cần tuân thủ hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt các ứng dụng công nghệ như NCOVI, Bluezone…
“Đây là trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, với gia đình và với cộng đồng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết bản thân cũng như nhiều lãnh đạo, thành viên Chính phủ đã cài đặt các ứng dụng công nghệ trên.
Đà Nẵng đưa 1.000 y, bác sĩ đi cách ly
Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã đưa được hơn 1.000 y, bác sĩ, bệnh nhân chạy thận tại BV Đà Nẵng đi cách ly. Trong đó, tối 8-8 có thêm 112 y, bác sĩ được đưa tới khách sạn để cách ly.
Đối với y, bác sĩ sau khi được cách ly, nếu an toàn sẽ tiếp tục quay về điều trị và chữa bệnh cho các bệnh nhân.
Trước đó, 0 giờ ngày 8-8, BV C Đà Nẵng là BV đầu tiên được phép dỡ phong tỏa đã bắt tay ngay vào việc tiếp đón, chữa trị các trường hợp cấp cứu và các trường hợp bệnh nhân chuyển tuyến.
Như vậy, hiện Đà Nẵng còn BV Đà Nẵng và BV Chỉnh hình - Phục hồi chức năng vẫn đang nằm trong diện phong tỏa.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện có 18 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã âm tính với SARS-CoV-2, trong đó có hai bệnh nhân đã âm tính lần thứ ba.
Tính đến 8 giờ sáng 9-8, Đà Nẵng đã xác định được 9.682 đối tượng F1, 10.133 đối tượng F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm SAR-CoV-2.
Hiện Đà Nẵng đang cách ly 2.439 trường hợp F1 tại các cơ sở y tế; 5.206 trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung; 275 trường hợp nhập cảnh; 10.133 đối tượng F2 đang được cách ly tại nhà.
Từ ngày 25-7 đến 9-8, lực lượng phòng, chống dịch đã thực hiện lấy 43.472 mẫu, trong đó 40.075 mẫu có kết quả âm tính, 250 mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Phải tuyệt đối cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh Chúng ta phải thấy rõ nguy cơ dịch bệnh là thường trực, vì vậy, phải tuyệt đối cảnh giác. Không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà đặc biệt là phải nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM |
Bệnh nhân 456 tử vong vì suy hô hấp và COVID-19
Chiều 9-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19.
Đây là ca tử vong do COVID-19 thứ 11 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam.
Ca tử vong chiều 9-8 là bệnh nhân 456 (BN456), nữ, 55 tuổi, địa chỉ phường Hải Châu II, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, có tiền sử tăng huyết áp.
Ngày 28-7, bệnh nhân nhập viện BV đa khoa Hoàn Mỹ - Đà Nẵng do nghi nhiễm COVID-19, được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Một ngày sau có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngày 30-7, bệnh nhân suy hô hấp cấp nặng và được chuyển đến BV đa khoa Trung ương Huế.
Ngày 6-8, bệnh nhân xuất huyết khối tĩnh mạch đùi trái, được can thiệp di chuyển huyết khối tắc động mạch phổi. 24 giờ sau tình trạng bệnh nhân tiếp tục xấu đi, được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu liên tục (CCRT) và đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) vào buổi chiều cùng ngày.
Ngày 9-8, bệnh nhân xuất hiện tụt huyết áp nặng, xuất huyết tiêu hóa, ngừng hô hấp tuần hoàn, đến 12 giờ bệnh nhân tử vong tại BV đa khoa Trung ương Huế.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân tử vong do viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp cấp nặng (hội chứng ARDS), suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp.
Thêm 31 ca nhiễm mới Hôm nay ghi nhận 31 ca nhiễm, tổng số ca nhiễm lên 841, trong đó 435 ca đang điều trị. BN456 tử vong trưa 9-8, là ca tử vong thứ 11. Bộ Y tế chiều 9-8 ghi nhận 29 ca nhiễm nCoV, gồm 19 người Đà Nẵng, tám Quảng Nam và hai Quảng Trị, đều liên quan đến Đà Nẵng. BN813 đến 831, tại Đà Nẵng, độ tuổi 7-85, gồm tám ca F1, ba bệnh nhân, ba người chăm sóc, hai liên quan khu vực quanh BV Đà Nẵng, một nhân viên y tế, một nhân viên phục vụ, một tại quận Cẩm Lệ. Hai BN 832, 833, tại Quảng Trị, tuổi 29-37, là F1 của BN750. Các BN834 đến 841, tại Quảng Nam, tuổi 11-70, gồm ba ca F1, hai người chăm sóc, hai bệnh nhân, một người về từ Đà Nẵng. Sáng cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã ghi nhận hai ca nhiễm nCoV, gồm một người Hà Nội, một người Bắc Giang, đều liên quan đến Đà Nẵng. BN811, nữ, 33 tuổi, ở xã Yên Định, huyện Sơn Động, Bắc Giang. Từ ngày 21 đến 24-7, cô cùng năm người trong gia đình (đã được ghi nhận là các bệnh nhân 673, 674, 744, 793, 794) đi du lịch Đà Nẵng. BN812, nam, 63 tuổi, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, là F1 của BN447 (đi du lịch Đà Nẵng), tiếp xúc lần cuối ngày 27-7. |