Ngày 8-12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức buổi gặp gỡ với ông John P.Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), thông tin về chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ.
Ông John cho biết ngày 25-11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ban hành các quy định mới đối với những nhà cung cấp cá da trơn, trong đó yêu cầu tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước (hầu hết từ Việt Nam), nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đồng nhất.
Tất cả những tiêu chuẩn mà các cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đạt được đều không có giá trị mà phải theo quy định của USDA. Cá tra ở Mỹ nuôi theo tiêu chuẩn nào thì cá tra Việt Nam phải đáp ứng những điều kiện đó. Chi phí của DN sản xuất chế biến Việt Nam tăng, những nhà nhập khẩu cũng gặp nhiều áp lực về kiểm tra, giám sát.
Ảnh minh họa
Ông Trường Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết chỉ còn khoảng ba tháng nữa Việt Nam phải chuẩn bị nộp hồ sơ cho thấy Việt Nam đáp ứng các quy định trên, chứng minh Việt Nam đủ điều kiện để xuất khẩu trong giai đoạn chuyển tiếp.
“Đáng lo nhất là Mỹ chỉ cho Việt Nam thời hạn 18 tháng tính từ tháng 3-2016, với quy định mới của Mỹ, DN cá tra Việt Nam chỉ được chọn Yes hoặc No, đủ tiêu chuẩn mới xuất khẩu sang Mỹ, còn không đạt thì coi như hết đường vào Mỹ”, ông Hòe chia sẻ.
Sau áp lực thuế chống bán phá giá, số lượng DN Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đã giảm, nay với quy định mới số lượng DN "đạt chuẩn" càng ít. Ông Hòe cho rằng quy định mới này cũng tác động ngược lại lên các nhà nhập khẩu cá tra Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn tại các nhà máy chế biến thịt và hải sản. Điều này sẽ khiến các nhà nhập khẩu e ngại và giảm nhập cá từ Việt Nam. Hiện tại cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch 300 triệu USD mỗi năm.