Nguy cơ khủng bố ở Indonesia

Indonesia có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á bị tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo tấn công. Báo mạng Asia Sentinel (Hong Kong) đã đưa ra cảnh báo như trên.

Kêu gọi tấn công dinh tổng thống

Trước đó, ngày 22-11, một băng video lấy danh xưng tổ chức khủng bố Các chiến binh Đông Indonesia đã được phát tán trên mạng Internet. Tổ chức này hoạt động trong rừng giữa đảo Sulawesi cách thủ đô Jakarta 600 km. Điều đáng nói là tổ chức này đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo (tự xưng).

Trong băng video, thủ lĩnh Santoso đã hô hào tấn công dinh tổng thống Indonesia, tư dinh Tổng thống Joko Widodo và phá hủy tổng hành dinh cảnh sát Indonesia.

Trước nay các tay súng tổ chức Các chiến binh Đông Indonesia thường xuyên tấn công cảnh sát vì chúng cho rằng tín đồ Hồi giáo đã trở thành nạn nhân trong các chiến dịch do cảnh sát tổ chức.

Quân đội đã tổ chức hàng loạt chiến dịch ở ngoại vi Solo (đảo Sulawesi) và tiêu diệt, bắt giữ nhiều tên nhưng thủ lĩnh Santoso vẫn đang đào tẩu.

Theo số liệu của nhà phân tích nguy cơ Sidney Jones phụ trách Viện Phân tích chính trị các xung đột ở Jakarta (Indonesia), khoảng 300 đối tượng Indonesia đã sang Trung Đông gia nhập khủng bố, trong đó gồm 160 nam giới, 40 phụ nữ và 100 thanh thiếu niên dưới 25 tuổi.

Trong số này đã có gần 100 tên thiệt mạng trong các trận đánh do Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) tiến hành. Ngoài ra còn có khoảng 100 đối tượng đang bị ngăn chặn xuất cảnh khỏi Indonesia hoặc đã bị các nước khác trả về Indonesia.

Cảnh sát trưởng Tito Karnavian ở Jakarta thông báo với báo chí cảnh sát đánh giá các mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) là nghiêm túc và an ninh đã được củng cố ở khu vực Jakarta.


Lực lượng đặc nhiệm Indonesia bắt giữ khủng bố. Ảnh: newsfultoncounty.com

Nguy cơ tấn công ở mức thấp

Mới đây, Viện Nghiên cứu Setar ở Indonesia (chuyên giám sát tự do tôn giáo) tiết lộ theo kết quả điều tra tiến hành ở 94 TP, 10 TP cố chấp nhất về tôn giáo thuộc về các TP ở phía tây đảo Java. Trong tốp 10 này TP Bogor (tỉnh Tây Java) đứng đầu danh sách.

Tại các địa phương này, mối hằn thù tôn giáo đối với các nhà thờ Công giáo cực kỳ cao và sự hiện diện của các nhóm cực đoan rất rõ nét. Các cơ quan tình báo của quân đội và cảnh sát đều lo ngại tình hình an ninh ở ngoại ô Bogor cách thủ đô Jakarta 60 km.

Dù vậy, nhà phân tích Sidney Jones ghi nhận khả năng xảy ra tấn công khủng bố như ở Pháp vào tối 13-11 (130 người chết) ít có khả năng xảy ra tại Indonesia.

Mặc dù hàng trăm phần tử Hồi giáo khủng bố từ Trung Đông có thể quay trở về cố hương Indonesia và âm mưu tấn công, tuy nhiên theo đánh giá bọn chúng cũng chỉ là một thiểu số thiếu bộ máy tổ chức và bị cô lập.

Sidney Jones nhận định: “Tấn công có thể xảy ra nhưng quy mô tấn công thấp. Nhiều yếu tố cho thấy nguy cơ có thể gia tăng nhưng ở mức độ rất thấp”.

Chuyên gia này lạc quan cho rằng bộ máy chỉ huy của Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) không quan tâm đến Đông Nam Á và các nhóm khủng bố ở địa phương cũng không đủ khả năng để hành động.

Hiện thời cho dù tăng cường cảnh giác nhưng chính phủ Indonesia cho biết không quan sát thấy dấu hiệu nào có âm mưu tấn công đang được chuẩn bị.

Nguy cơ từ mạng xã hội

Trong báo cáo với tiêu đề “Tuyên truyền trên mạng và việc sử dụng mạng xã hội của các phần tử cực đoan Indonesia” - nhà phân tích Sidney Jones ghi nhận Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền và thu hút thêm người ủng hộ.

Nội dung tuyên truyền mô tả sinh hoạt hằng ngày trong tổ chức khủng bố hay nêu bật tinh thần đồng đội trong hàng ngũ bọn khủng bố Indonesia.

Báo cáo nêu trên nhận xét vấn đề thực sự đang diễn ra là tình trạng tiếp xúc mặt đối mặt để biến một cá nhân trở thành phần tử cực đoan và sau đó đưa vào danh sách tuyển mộ.

Một hiện tượng khác đáng lưu ý là từ các nhóm thảo luận tôn giáo cực đoan sẽ dẫn đến các đối tượng quyết định xuất cảnh sang Syria tham gia hàng ngũ khủng bố.

Báo cáo ghi nhận chính phủ Indonesia không đủ khả năng phát triển các biện pháp phản công trong khi ít ra chính phủ phải tăng nguồn lực đào tạo các chuyên gia phân tích truyền thông đối với thông tin khủng bố.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều công dân Indonesia đưa nguyên gia đình sang Syria. Trong một số trường hợp, chính người phụ nữ trong nhà là người tổ chức ra đi.

Ngày 14-12, hội nghị quốc tế về Syria sẽ được tổ chức tại Paris (Pháp). Thành phần tham dự gồm các cường quốc trên thế giới và khu vực thuộc Nhóm hỗ trợ quốc tế cho Syria. Đây là nỗ lực của quốc tế nối tiếp hội nghị của phe đối lập Syria tại Riyadh (Saudi Arabia) trong hai ngày 9 và 10-12. AFP dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết hội nghị ở Paris như một hội nghị trù bị cho hội nghị tiếp theo ở New York (Mỹ) vào ngày 18-12. Một ngày sau hội nghị ở Paris, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Moscow hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về tình hình Syria.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới