'Nguy cơ lây nhiễm dịch vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn'

Sáng 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang.

Cuộc họp có sự tham gia của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, một số bộ ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình dự họp tại điểm cầu Tây Ninh. Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 dự họp tại đầu cầu Hà Nội. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dự cuộc họp tại đầu cầu An Giang.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là thời điểm “nước sôi lửa bỏng”. Thủ tướng phải họp khẩn cấp với các địa phương Tây Nam Bộ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Thủ tướng lưu ý 10 ngày qua, cả nước đã ghi nhận 257 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tình hình diễn biến phức tạp tại Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… và có nguy cơ cao ở Khánh Hoà, Lâm Đồng. 

Theo người đứng đầu Chính phủ, vừa qua, nhiều tỉnh vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa xảy ra dịch ở địa phương, nhưng đến khi có dịch lại hốt hoảng, thực hiện nhiều biện pháp  thái quá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp khẩn sáng nay.  Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết diễn biến dịch lần này khá nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch…

Ông lưu ý 1 tuần qua, tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, diễn biến dịch từ Campuchia vẫn căng thẳng. Ông dự báo trong những ngày tới, lượng người nhập cảnh cả hợp pháp, cả trái phép từ Campuchia về nước sẽ tiếp tục tăng do Campuchia đã dỡ phong toả. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn.

Bộ trưởng Y tế đề nghị phải tiếp tục siết chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển… Đồng thời, phát động nhân dân tố giác người nhập cảnh trái phép. Các địa phương biên giới Tây Nam Bộ phải xác định tinh thần luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải “coi như mình đã có dịch”; chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng… 

Cụ thể, các tỉnh phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm. Cạnh đó, chuẩn bị cơ sở điều trị và các điều kiện để cách ly số lượng lớn người nhập cảnh ở ngay khu vực biên giới… theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bộ trưởng Y tế cũng nhắc lại phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải chống dịch theo cách tiếp cận mới, kết hợp hài hoà giữa phòng thủ và tấn công, trong đó tấn công là chính. Tấn công tức là tăng cường sử dụng biện pháp "5K + vaccine"

Ông Long đề nghị các tỉnh phải đảm bảo điều kiện cần thiết để chống dịch, nhất là chuẩn bị các phương án triển khai xét nghiệm trên diện rộng…

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử tại Cần Thơ hôm qua (8-5) về sự cố một nhân viên y tế tại An Giang tử vong sau khi tiêm vaccine do sốc thuốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải giải thích cặn kẽ với người dân, tránh để người dân lại hốt hoảng, không dám tiêm vaccine. 

Theo người đứng đầu Chính phủ, tiêm vaccine có trục trặc nhưng không nên hoang mang vì vaccine nào cũng có phản ứng phụ. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải hạn chế hậu quả xấu.

Thủ tướng đánh giá một số quốc gia trên thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh nhờ tiêm vaccine diện rộng. Trung Quốc là một ví dụ, với nền kinh tế tăng trưởng hơn 10% những tháng đầu năm. Bởi vậy, Việt Nam cũng phải hướng tới tiêm vaccine diện rộng.

Thủ tướng cũng cho biết hiện việc nhập vaccine rất khó khăn, do tình trạng khan hiếm hàng. Ông thông tin WHO vừa cho phép Trung Quốc lưu hành vaccine. Chính phủ sẽ cố gắng tiếp cận tất cả nguồn có thể từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản để nhập cho người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới