Nguy cơ mất hàng tỉ USD nếu Việt Nam chậm cải thiện môi trường đầu tư

(PLO)- Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu nếu không ban hành kịp vào đầu năm 2024, Việt Nam có thể đánh mất một cơ hội lớn cải thiện môi trường đầu tư và mất hàng tỉ USD mỗi năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 15-5, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, cho biết, tính đến cuối tháng 4-2023, Việt Nam thu hút gần 446 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó gần 280 tỉ USD đã giải ngân.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Trong năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, theo báo cáo của Liên hiệp Quốc tế về Thương mại và phát triển, Việt Nam vẫn lọt vào một trong 20 quốc gia, nền kinh tế có nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài được thu hút lớn nhất trong năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhận định thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; thị trường tài chính, nợ công… tiềm ẩn nhiều rủi ro.

GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: V.LONG

GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: V.LONG

Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam, cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%... nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,89 tỉ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Bàn thêm về những khó khăn, ông Đỗ Văn Sử, phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT thừa nhận hiện nay có sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang một số nước trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ông khẳng định các “ông lớn” chưa rời bỏ Trung Quốc như một số chuyên gia nhận định, ngược lại vốn đầu tư vào Trung Quốc ngày càng tăng cao.

Thêm vào đó, tác động thuế tối thiểu toàn cầu khiến các tập đoàn lớn bị ảnh hưởng, họ cân nhắc, cầm chừng để xem phản ứng của các quốc gia nhận đầu tư.

“Chính vì vậy, Chính phủ đang giao cho Bộ KH&ĐT xây dựng các chính sách để không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Trong đó, chúng ta đặt ba mục tiêu là giữ chân nhà đầu tư hiện hữu, thu hút các nhà đầu tư mới, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế”- ông Sử cho hay.

Ngoài ra, Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận định đến cuối năm 2022, đồng Yên Nhật mất giá 27%, Won Hàn Quốc mất giá 22%.... “Với tỉ giá giảm như vậy thì đương nhiên họ sẽ cân nhắc trong việc đầu tư ra nước ngoài”- ông Sử nói.

Ở góc độ chuyên gia, GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư, cho rằng Việt Nam dù được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao về môi trường đầu tư, nhưng tới đây cần phải thay đổi thể chế chính sách và thực thi thể chế chính sách để thu hút nhà đầu tư.

“Những năm qua chúng ta biết đó là điểm yếu nhưng làm quá chậm. Chẳng hạn như thuế tối thiểu toàn cầu, chúng tôi đã bàn cách đây hơn 1 năm rồi nhưng đến nay chưa ban hành. Nếu chính sách này không ra đời kịp vào đầu 2024, Việt Nam sẽ mất một cơ hội lớn cải thiện môi trường đầu tư, mất hàng tỉ USD hàng năm”- ông Mại nói.

Ngoài ra vị chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần cải thiện thủ tục đầu tư, hiện nay vẫn “hành là chính”. Chúng ta nói đến chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử nhưng hiện nay vận hành vẫn rất cồng kềnh… “Tức là chúng ta cải cách vẫn vô cùng chậm”- ông Mại nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm