Trao đổi với PLO ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh Bình Định đã xây dựng phương án đầu tư xử lý nước thải trong cụm công nghiệp (CCN) giai đoạn 2023-2025.
Nhiều CCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Hoạt động từ năm 1999, CCN Gò Đá Trắng ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn là một trong những CCN đầu tiên của tỉnh Bình Định. Tại CCN này, các doanh nghiệp hoạt động tập trung nhiều ngành nghề, nhất là những ngành phát thải nhiều như sản xuất nhang, cơ khí, bao bì, nhựa tái chế…
Tuy nhiên, mãi đến năm 2011, chính quyền mới đầu tư 4 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dù vậy nhiều doanh nghiệp ở đây vẫn xả thải ra môi trường.
Theo quan sát của PV, hai bên đường vào CCN Gò Đá Trắng có khoảng sáu cơ sở sản xuất đang hoạt động. Giữa nắng nóng cao điểm, con đường này vẫn lênh láng nước thải từ các cơ sở xả ra.
Theo nhiều người dân thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, trong CCN Gò Đá Trắng có nhiều cơ sở chế biến nhang, nhựa bao bì tái chế, đúc kim loại… nên họ thường xuyên phải hít thở mùi hôi, khét từ ống khói của các cơ sở hoạt động sản xuất.
Kết quả kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Bình Định hồi tháng 10-2023 cho thấy tại CCN Gò Đá Trắng có ba cơ sở hoạt động sản xuất bao bì, tái chế nhựa lấn chiếm lòng đường, nước chảy tràn qua bãi phế liệu cuốn theo các thành phần ô nhiễm.
Theo Sở TN&MT, tại CCN Gò Đá Trắng hạ tầng thu gom nước mưa, nước thải, hệ thống xử lý nước thải đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, một số đoạn chưa có hệ thống thu gom… Hệ thống xử lý nước thải không hoạt động.
Tương tự, CCN Phước An ở xã Phước An, huyện Tuy Phước cũng có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng trên thực tế nhà máy này không hoạt động.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước giải thích do máy móc trục trặc nên trạm xử lý nước thải tập trung CCN Phước An phải tạm ngưng hoạt động. Dự kiến, đến tháng 8-2024 trạm mới vận hành trở lại.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở CCN Hóc Bợm tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn trong khi CCN này nằm gần khu dân cư, không có hàng rào, cổng ngõ.
Không có nguồn lực để đầu tư hệ thống xử lý nước thải
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN&MT tỉnh Bình Định, lượng nước thải phát sinh tại các CCN ở tỉnh này hiện khoảng 2.670 m3/ngày. Trong khi đó, các hệ thống xử lý nước thải đã đầu tư có công suất chỉ 1.210 m3/ngày nên chỉ xử lý hơn 45% tổng lượng nước thải phát sinh.
Ngoài ra, chỉ có 21/42 CCN xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, còn lại 21 cụm cho nước mưa chảy tràn ra ngoài tự nhiên. Hiện nay chưa có CCN nào ở Bình Định đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường như quy định.
Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các CCN cần vốn rất lớn trong khi nguồn lực của địa phương hạn chế. Trong giai đoạn 2023-2025, huyện Hoài Ân chỉ có thể tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hệ thống xử lý nước thải cho CCN Dốc Truông Sỏi.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân
Theo ông Nguyễn Việt Cường, từ nay đến năm 2025, tỉnh Bình Định tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động tại tám CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.