Nguyễn Đức Sơn - Lão ngoan đồng trên đồi Phương Bối

Nhà báo Cẩm Tú đã có những kỷ niệm về lão "ngoan đồng" Nguyễn Đức Sơn (trong kiếm hiệp Kim Dung có lão ngoan đồng Chu Bá Thông-PV).

PLO xin giới thiệu bài viếtNguyễn Đức Sơn - Lão ngoan đồng trên đồi Phương Bối của nhà báo Cẩm Tú khi nhà thơ Nguyễn Đức Sơn vừa giã từ cõi tạm vào rạng sáng nay lúc 3 giờ ngày 11-6.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và nhà báo Cẩm Tú trên đồi Phương Bối. Ảnh: FBTN

Ông là nhà thơ nổi tiếng của Sài Gòn trước 1975. Chú Nam Đồng kể, ông cực đoan với những bon chen, thói tật của xã hội đến nỗi đã dắt cả nhà lên núi rừng ở ẩn 40 năm qua.

Nơi ấy, thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt tên là Phương Bối. Phương là đường về, Bối là chiếc lá bối người ta dùng viết chữ ngày xưa. Ghép lại, Phương Bối có nghĩa là đường về nẻo xưa, nay không còn nữa.

1.

Nghe kể mà mình sửng sốt. Tưởng nhân vật cực đoan đó chỉ trong quyển sách Into the Wild thôi, không ngờ có cả ngoài đời. Tò mò, mình tìm đến đồi Phương Bối gặp ông- con người cực đoan lánh xa trần thế để sống giữa hoang dã thiên nhiên.

Nghĩ, chắc là con người đó khắc khổ và khó gần lắm.

Vậy mà chạm mặt ông giữa bạt ngàn thông xanh, những cánh rừng thông do ông trồng và nâng niu giữ gìn bao nhiêu năm qua, lập tức mình thấy vô cùng trìu mến thân thương.

Trang phục xuềnh xoàng giản dị nhưng phong thái của ông và người vợ từng được mệnh danh đẹp như tiên nữ giáng trần ngày xưa vẫn tao nhã lạ lùng. Thời gian và những mưa nắng phong trần không lấy được của họ vẻ lịch thiệp tinh tế của người trí thức cũ.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và nhà báo Cẩm Tú. Ảnh: FBTN

Mình xin phép ông chụp hình, ông thè lưỡi ra chọc rồi rủ mình oánh lộn bằng ngón tay trỏ. Hai ông cháu oánh qua oánh lại bất phân thắng bại.

Ông hỏi “Chị hai là dân ở đâu?”.

Mình vỗ ngực xưng tên: "Con là đệ tử chú Nam Đồng đây”.

Ông hỏi tiếp: “Chị hai học ngành gì?”.

Mình khoe: “Con học luật”.

Ông già đáp liền: "Luật là cái ngành tào lao nhất trên đời”.

Mình cười ha ha rồi hỏi lại vậy: "Chứ chú Nam Đồng với ông, ai đẹp trai hơn?Chú Nam Đồng nói hồi xưa ổng đẹp trai, cao và trắng lắm. Giờ già nên mới lùn, đen thui”.

Ông xì lắc đầu rồi giang hai tay đo: “Nam Đồng mà so nhan sắc tui thì khoảng cách xa lắm, xa xa lắm”.

Mình ôm bụng cười.

2.

Ngồi nói chuyện, mình dụ dỗ ông kể chuyện xưa. Hỏi đến ai (toàn những người nổi tiếng cùng thời) ông cũng lắc đầu: “Thằng đó bậy bạ lắm”, “Cha đó kém cỏi nhất trên đời”…

Mình giả vờ nhăn nhó hỏi: Vậy chứ ông thấy bài thơ nào mới hay, ai mới giỏi?.

Ông suy nghĩ lung lắm, rồi nói bài “Màu tím hoa sim” là dữ dội. Ông thích đến nỗi tìm về vùng sim tím trong bài thơ đó. Ông có vẻ rất vui khi mình biết bài thơ này và nhiều bài khác nữa (hú hồn, ngày xưa nhà mình có tủ sách nên hay đọc để ngủ và tự nhiên thuộc và nhớ đến hôm nay).

Còn nhân vật nào mà ông ngưỡng mộ? Gặng hoài ông không nói.

Thật lâu sau, ông lẩm bẩm: “Thằng cha Thích Ca hay chứ, quá xuất chúng”. Mình vừa cảm động vừa mắc cười, gật đầu tán thưởng theo style của ông: “Dạ, con cũng thấy thằng cha Thích Ca giỏi thiệt là giỏi”.

Haha. Thiên hạ bao người lạy Phật xì xụp. Còn ông gọi Phật là “Thằng cha Thích Ca”.

Vậy mà mình cảm nhận cả trời kính trọng và lòng thành trong đó.

3.

Nghe nói, ông không đi tu nhưng sống theo giáo lý nhà Phật, ông tìm hiểu rất nhiều về đạo Phật. Triết lý của “Thằng cha Thích Ca” đó đã cứu rỗi ông - như lời người con trai của ông nói.

Lão "ngoan đồng" đồi Phương Bối và nhà báo Cẩm Tú đùa vui. Ảnh: FBTN

Gặp ông có một buổi, ông chửi mình và người khác không biết bao lần là “sao ngu quá”. Như “ăn mặn là ngu quá, ngu không thể tả”.

Vậy mà mình không chút buồn, tự ái. Mình vô vàn xúc động. Trong tiếng chửi ấy, không có sự cay nghiệt hay cao ngạo. Mình chỉ thấy trong đó là nỗi cô đơn và trên hết là lòng trắc ẩn bao la của con người ấy dành cho thiên nhiên, trời đất, đồng loại.

À! Thiệt ra là mình có buồn. Mình buồn vì bản thân mình nhỏ bé tầm thường quá, mình không đủ tâm hồn và chiều sâu để an ủi con người khác thường ấy khi có kẻ hiểu được mình.

Không biết trên đời này, ông tìm được những ai là bạn tâm giao hay luôn cô độc trong cõi riêng mình?

4.

Mấy ngày thơ thẩn giữa rừng sim ở đồi Phương Bối, không có tiện nghi, thưa thớt người lại qua, chỉ có hoa cỏ chim muông xung quanh, mình thỉnh thoảng suy nghĩ, liệu có khi nào ông hối tiếc trước lựa chọn của mình.

Nhưng gặp ông rồi, mình biết câu hỏi ấy tầm thường quá, may mà mình không thốt ra.

Ông bảo có lần ông xuống Sài Gòn mà “quá xá sợ”. Ông không hiểu tại sao cả tỉ người có thể sống ở đó, trong những căn nhà chật hẹp, phố phường chật hẹp.

Ông nói, ông không mong gì hơn một cuộc sống như thế này. Một túp lều nhỏ giữa rừng thông xanh vi vu gió thổi.

“12 giờ rưỡi khuya nha, mở cửa ra, pha cafe uống, đã lắm”, ông nói.

Mình hoàn toàn hình dung được khung cảnh đó và cảm giác đó. Ung dung, tự do tự tại.

Nói vậy chứ, cả tỉ người ấy có bao nhiêu thứ hơn ông.

Còn ông chỉ hơn họ mỗi một điều. Ở đây, ông có cả một đồi thông cùng lũ chim chóc mà ông yêu thương hơn sinh mệnh. Ở đây, ông không phải bon chen tranh giành lợi danh để rồi chết. Ở đây ông có một bầu trời bao la.

Lần hội ngộ tại Phương Bối với nhân vật truyền kỳ của nhân gian, như một lời chia tay...

 À! Thực ra là ông vẫn còn mong nhiều thứ. Ông thèm bánh xèo chay đổ nhân giá. Mình nói với ông, lần sau con xuống sẽ làm món này cho ông. Ông nói hứa nha, đứa nào nói láo trời đánh.

Nhất định mình sẽ làm. Không phải vì sợ trời đánh.

Mà là để gặp lại lão Ngoan đồng, để thăm lại một nơi xa xưa tên là Phương Bối.

***

Sáng nhận tin ông Sơn Núi mất.

Đã biết sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình, nhưng lòng vẫn không thôi bâng khuâng thương tiếc.

Ngày mai, con sẽ lại về Phương Bối chào ông nhé!!! (Cẩm Tú)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm