Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (Sao trên rừng, tục danh Sơn Núi). Ông sống trên đồi thông Phương Bối, thuộc thị trấn Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn - quái kiệt của làng thơ. Ảnh tư liệu
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn được giới văn nghệ sĩ yêu nước miền Nam trước 1975 gọi là một trong ba "kỳ nhân" của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện).
Ngoài là một trong ba kỳ nhân của làng văn nghệ, ông còn là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam (ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên).
Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18-11-1937 tại làng Dư Khánh, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, quê gốc ở Thừa Thiên-Huế.
Ông làm thơ rất sớm với với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt.
Ông sống ở nhiều nơi Phan Rang, TP.HCM, Bình Dương – Thủ Dầu Một, Bảo Lộc - Lâm Đồng và sống bằng nghề dạy học ngoại ngữ. Năm 1967 ông lấy bà Nguyễn Thị Phượng và có chín người con.
Ông có người con Nguyễn Đức Vân cũng là một nhà thơ.
Năm 1979, ông đưa gia đình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để sống một cuộc sống thanh tịnh. Đến nay gia đình ông vẫn sống ở đó.
Nguyễn Đức Sơn nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông do ông đã trồng tới hàng vạn cây thông trên ngọn đồi Phương Bối rộng tới hàng chục héc ta.
Vĩnh biệt ông- nhà thơ quái kiệt với những vần thơ chí khí: “Không biết từ đâu ta đến đây/ mang mang trời thẳm đất xanh dày/ lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ/ sống điêu linh rồi chết đọa đày”.