Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương - một người hiền đã ra đi

Ngày 7-2, nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương đã ra đi, hưởng thọ 81 tuổi.

Hôm nay (10-2), ông giã từ cõi tạm trở về đất mẹ. Tôi có may mắn được gặp ông nhiều lần tại nhà riêng và rất thích công việc sưu tầm chữ nghĩa, báo chí, bút tích... trở thành niềm đam mê mà ông dành trọn đời thực hiện.

Nhà văn, nhà báo, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Nhớ, tiễn biệt ông bằng nén tâm hương với những lần trò chuyện chữ nghĩa, nhất là về công việc sưu tập, sưu tầm của ông.

 

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương qua đời ngày 7-2 thọ 81 tuổi. Nguồn: YouTube

Duyên nợ đến với nghiệp chữ nghĩa của ông là làm phóng viên viết cho tờ Nhân Dân rồi Đại Đoàn Kết. Từ đó ông tích lũy nhiều vốn sống để viết văn.

Ông kể lại niềm đam mê này: "15 tuổi (sinh năm 1940 - NT), cái tuổi cưỡi trâu trên đồng, lội kênh bắt cá nhưng gặp thời chiến tranh, đất nước chia cắt, năm 1954, tôi từ làng quê tận miệt Cà Mau lên đường tập kết ra Bắc. Học xong phổ thông, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, được báo Nhân Dân mời về làm ở Ban miền Nam (1967).

Viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một miền đất quê hương đang chìm trong lửa đạn không chỉ có những thông tin chiến sự ác liệt, còn phải có những hàng dừa, cây me, trái sầu riêng, phải có dòng kênh với cây tràm, cây đước và người dân Nam bộ hiền lành, chân chất vì khi ấy miền Nam rất mờ nhạt.

Và để phục vụ cho công việc viết báo của mình, tôi đã tự mình sưu tầm, cắt dán những hình ảnh, câu chuyện, những thông tin về quê hương miền Nam máu thịt. Ký ức quê hương dần hiện rõ trong tâm tưởng, hòa chảy trong dòng máu, thổi hồn cho những bài viết về miền Nam.

Từ đó, công việc sưu tầm tư liệu trở thành một niềm vui, dần thành nỗi đam mê của nhà báo trẻ trong tôi. Lúc đầu chỉ là một, hai tập tư liệu về những vùng quê và cứ thế tăng dần lên cùng thời gian, sau nhiều buộc mình phải phân loại, chia ra và giúp mình một kinh nghiệm để viết chắc tay hơn".

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương cùng vợ - bà Phan Thu Hương. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Khi có dịp tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ông lại xin chữ ký, bút tích của họ để làm bộ sưu tập chân dung, bút tích của hơn 1.000 nhà văn Việt Nam.

Nhưng cũng phải công bằng ghi nhận sự giúp sức tích cực của bà Phan Thu Hương, người bạn đời đã giúp ông sưu tầm, sưu tập nhiều tài liệu cho hành trình góp nhặt bụi vàng thời gian này. 

Và để có những trang sách sưu tập chữ ký nhà văn, ông đã vất vả, gian khó, thậm chí hy sinh rất nhiều thời gian. Tôi đã có bài viết trên Văn Nghệ Trẻ về việc xin bút tích nhà vănxin lược trích:

"Xin bút tích của những người nổi tiếng rất khó. Trước khi thực hiện tôi lập danh sách hội viên Hội Nhà văn như địa chỉ… tôi đã có được 350 bút tích, chân dung nhà văn, nhà thơ và hình thành bộ hồ sơ mỗi nhà văn, nhà thơ gồm sáu phần: chân dung; bút tích; tiểu sử văn học; những tác phẩm đã xuất bản; những đoạn văn, đoạn thơ hay của nhà văn, nhà thơ đó (nếu họ còn sống thì nhờ họ chọn, còn họ mất thì mình tự chọn) và phần thứ sáu là nhà phê bình nhận xét, đánh giá về nhà văn, nhà thơ đó như thế nào.

Căn nhà của vợ chồng nhà văn Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương ở gần Ga Sài Gòn, quận 3, TP.HCM chất đầy sách. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Nói thì nói như vậy, chứ khi đi xin là cực kỳ khó. Khó ở chỗ hầu hết đều khiêm tốn (vì họ còn sống) và một số người lại khó tính vì họ cho rằng muốn tìm hiểu thì nên đọc tác phẩm, hơn nữa họ chưa biết tôi là ai. Họa hoằn lắm gửi 10 thư thì được phúc đáp lại một, hai cái.

Chẳng hạn như khi tôi gửi thư, gọi điện thoại xin bút tích (khoảng 50-70 chữ) và ảnh nhà văn Tô Hoài, ông đã gọi hỏi nhà văn Nguyễn Khải: “Ở trong Sài Gòn tôi không biết ông Trần Thanh Phương là ai mà gửi thư, gọi điện thoại xin bút tích” và nhà văn Nguyễn Khải bảo: “A, chết chết cho ông Phương đi, ông này hay lắm” và có được bút tích của nhà văn Tô Hoài là bức thư ông gửi cho nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

Hay một số nhà văn, nhà thơ đang ở địa vị cao, tôi “xin” là xin họ ở vị trí nhà văn, nhà thơ (đây là trở ngại và khó khăn nhất) và có người viết qua quýt cho có; lại có người còn phôtô (bản hiếm hoi hay người đã mất thì được) gửi. Nói để biết rằng quá trình việc sưu tầm như vậy là cực kỳ khó, mình phải kiên trì".

Trong nhiều bút tích, chân dung đối với những người còn sống, nhà báo Trần Thanh Phương tìm cách xin bằng được, còn với những văn nghệ sĩ đã mất ông xin lại các bút tích này từ những người thân của họ. Một sự dày công, cần mẫn đến sâu sắc như vậy cũng đủ nói lên được tâm huyết của một người gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần cho hậu thế thật đáng quý biết dường nào.

Nhà văn Trần Thanh Phương, nhà văn Sơn Nam và tác giả bài viết tại Đại hội Nhà văn TP.HCM năm 2005. Ảnh: ĐỨC HUY

Những công việc thầm lặng của nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương đã được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận.

Trong đó, nhà thơ Điêu tàn - Chế Lan Viên cảm mến công việc sưu tập đã có thư viết riêng gửi cho một Việt kiều vào năm 1989. Trong thư có đoạn viết: “Tôi rất quý anh Trần Thanh Phương, tác giả hơn 10 cuốn sách về sử, địa chí, văn học… mà vẫn khiêm tốn…

Anh Phương lại âm thầm làm cái việc sưu tầm tư liệu về văn hóa - văn nghệ nước nhà rất có ích. Có lẽ một ngày nào đó, tôi hay anh hay một người nào đó viết độ 1.000 chữ để giới thiệu cái việc làm “hồ sơ tư liệu” đó.

Trên đời này tôi quý nhất hai loại người: Người có tài và người có tài liệu. Anh Phương có tài hay không tôi chưa biết nhưng anh Phương có tài liệu”.

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương - một người hiền đã ra đi ảnh 5

Một số tác phẩm của nhà văn Trần Thanh Phương. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Riêng Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VietBooks) đã xác lập ba kỷ lục gồm: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam; Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt NamNgười có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam.

Nhà văn Trần Thanh Phương, nhà văn Triệu Xuân, nhà văn Vũ Hạnh và nhà văn Kim Quyên (từ trái sang). Ảnh: FB nhà văn Triệu Xuân

Khi nghe tin nhà văn Trần Thanh Phương qua đời, nhà văn Triệu Xuân xúc động chia sẻ trên trang cá nhân: "Nhà văn Trần Thanh Phương tin cậy và yêu mến tôi, từ nhiều năm qua đã giao bản thảo của mình cho Triệu Xuân làm “bà đỡ”, thực hiện từ khâu đọc bản thảo đến khi sách thành phẩm phát hành.

Anh Phương ơi! Mới hôm 18-1-2020, dù rất yếu, anh cũng ráng đến dự cuộc ra mắt sách Triệu Xuân sống & viết. Từ nay anh em mình, Canh Thìn và Nhâm Thìn thế là âm dương đôi ngả. Với Triệu Xuân, anh Phương là Người Hiền! Cầu Trời Phật và các bậc tiền nhân độ trì cho hương hồn Người Hiền Trần Thanh Phương sớm tiêu diêu miền cực lạc!

Xin chia buồn sâu sắc cùng nhà giáo Phan Thu Hương - bà quả phụ Trần Thanh Phương và gia đình!".

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương - một người hiền đã ra đi ảnh 7

Nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương sinh ngày 23-9-1940 tại Cà Mau, nguyên Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Ông còn các bút danh khác như Trần Thanh, Minh Hải.  

Ông đã được tặng huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huân chương Lao động hạng Ba.

Một số tác phẩm:

San hô đỏ (1975); Trong rừng dẻ hương; Xứ sở phù sa; Xa xa mũi đất Cà Mau (1987); Về nhà mình xa quá, má ơi! (2006); Tuyển tập ngắn (1975); Những người còn sống mãi (1980); Trịnh Công Sơn, người hát rong qua các thời kỳ (2001); Nghệ sĩ Bạch Tuyết - cải lương Chi Bảo (2004); Chân dung bằng chữ (2011); Lời cuối với nhà văn đã đi xa (2016); Rượu với văn chương (2017)...

 
Nhà báo Trần Thanh Phương bán sách làm từ thiện
Nhà báo Trần Thanh Phương bán sách làm từ thiện
Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình Khát vọng sống của Công ty Quảng cáo Nhất tại khách sạn Viễn Đông, TP.HCM ngày 23-12 (sẽ phát sóng trên các đài PT-TH Cà Mau (24-12), Tiền Giang (21h ngày 25-12) và Bình Dương (14h45 ngày 27-12),

“Xin” hơn 1.000 bút tích văn sĩ
“Xin” hơn 1.000 bút tích văn sĩ
Nhà báo, kỷ lục gia VN về sưu tập tài liệu Trần Thanh Phương đang ở Hà Nội để làm việc với NXB Giáo dục nhằm in tập 2 Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam. Tập đầu của bộ sách này đã được NXB Giáo dục in vào năm 2008 với hơn 250 chân dung và bút tích của các nhà văn VN qua các thời kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm