Nguyên Ngọc: Để trẻ em “điếc” với sách là tội ác!

LTS: Nhà văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc nói về những băn khoăn đầy tâm huyết của ông về thực trạng của văn hóa đọc nói riêng và tầm dân trí nói chung của nước ta.

Được coi là có văn hóa mà không quan tâm đến sách thì...có vấn đề!

- Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?” được tổ chức trong khuôn khổ Hội sách ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, như tôi được biết, không có tham vọng “đào xới một cách rốt ráo những vấn đê cốt tử” của văn hóa đọc. Làm thế nào mà đào xới được đến căn bản chỉ trong một hội thảo nhỏ?.

Chúng tôi chỉ muốn đánh động sự quan tâm của xã hội, như là một bước, tiếp tục những bước trước, góp phần khôi phục và phát triển văn hóa đọc. Đây là một công việc tất phải rất lâu dài và liên quan đến những lĩnh vực chắc chắn là rộng lớn, phức tạp hơn rất nhiều, như đạo đức xã hội, tình hình giáo dục, chuyển đổi kinh tế v.v...

Cũng không nên quá ráo riết trong định nghĩa khái niệm văn hóa đọc. Quả thật hiện nay, so với một số thời kỳ trước đây, dân ta đọc sách ít hơn, đặc biệt là trong những giới lẽ ra phải là những người yêu sách, ham đọc và biết cách đọc sách hơn cả.

Trong xã hội nào cũng vậy thôi, không phải mọi người đều yêu sách, say mê đọc sách, nhưng nếu trong một số giới nào đó được coi là thuộc bộ phận “có văn hóa” lại quá ít quan tâm đến sách thì quả là có vấn đề.

Chẳng hạn ngày trước sinh viên Sài Gòn ra đường cầm trên tay một tờ Bách Khoa hay Văn, một cuốn sách của nhà xuất bản Lá Bối…, sinh viên Hà Nội cầm trên tay một cuốn sách của Lev Tolstoi, Ostrovski … được coi là người có văn hóa, thì ngày nay ta thường chỉ thấy họ cầm tờ báo Công An hay An ninh Thế giới

Tôi được biết, có những người lãnh đạo ở cấp rất cao, sau giờ làm việc ban ngày, tối chỉ tập trung đánh tu lơ khơ suốt đêm, chẳng bao giờ biết cầm đến một cuốn sách (vậy mà nếu có dịp đến một cuộc họp nào đó của giới văn học thì sẵn sàng lập tức lên lớp dạy nhà văn phải viết như thế nào!) … Những điều như thế không thể coi là bình thường nữa rồi.

Không có mệnh lệnh nào buộc người ta đọc sách được!

Vấn đề bây giờ là tìm ra nguyên nhân. Điều gì khiến cho tình hình đọc sách của chúng ta sa sút? Chắc chắn có rất nhiều nguyên nhân. Theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là ở giáo dục, ở nhà trường của chúng ta hiện nay.

Sáng nay vừa có anh bạn nói với tôi điều này và tôi thấy anh ấy hoàn toàn có lý. Anh ấy bảo: anh kêu học sinh không đọc sách nhưng tôi xin hỏi anh học sinh của mình bây giờ lấy thì giờ đâu nữa mà đọc? Suốt ngày bị quần đến mệt nhừ vì bao nhiêu thứ kiến thức cố nhét vào đầu. Tối lại ngập đầu trong bài tập về nhà, ngủ cũng không yên, thở không ra hơi, còn đọc gì nữa?

Nếu có được chút thì giờ nào dôi ra được thì cũng là để thở, hơi đâu mà đọc, còn hào hứng thú vị gì nữa mà đọc! Mới đây lại còn thấy báo chí đưa tin Bộ Giáo dục hợp đồng với đài truyền hình cứ buổi tối đến mấy giờ đó thì đài báo tín hiệu cho trẻ con bắt đầu ngồi vào học ở nhà, làm bài tập cho về nhà. Nghĩa là Bộ quản chặt hết thì giờ của trẻ con ban ngày ở trường rồi, thấy còn chưa đủ, bây giờ quản luôn hết cả thì giờ ban đêm ở nhà của chúng nữa, quyết không cho chúng được hở ra lúc nào mà thở!

Cũng mới đây tôi được đọc mấy bài nói về giáo dục ở Phần Lan hiện nay đang được mọi người nhất trí công nhận là nhất thế giới, kể cả Mỹ cũng phải tìm đến học. Trẻ con Phần Lan 7 tuổi mới bắt đầu đi học, nghĩa là chậm hơn ở ta 2 năm, được tha hồ chơi thêm 2 năm. Đi học thì hết sức thoải mái, nhuộm tóc đủ màu, nghe nhạc metal tức thứ rock hạng nặng, và người ta tuyệt đối cấm thầy cô không được cho bài tập về nhà… Vậy mà lớn lên họ là những con người thật giỏi giang, sống rất văn minh, và tất nhiên đọc sách cũng vào hàng nhất nhì thế giới …

Cách làm giáo dục như ở ta hiện nay thì thật khó lòng mà có được thói quen ham mê đọc sách. Thường đến 20 tuổi rồi mà không hề biết đến ham thích và cái thú đọc sách thì cả đời sẽ khó lòng trở thành người ham đọc và biết đọc sách. Mà vì sao giáo dục của ta lại đi theo con đường tắc tị đó?

Tôi đã có nhiều lần nói, nay xin được nói lại lần nữa: vì chính cái triết lý xã hội mà nền giáo dục của chúng ta theo đuổi. Đó là một nền giáo dục căn cứ trên niềm tin rằng có những chân lý tuyệt đối, bất biến, dạy học là truyền bá những chân lý đó, đi học là để thấm nhuần những chân lý đó đặng dùng suốt đời. Có thể nói, với kiểu giáo dục đó thì chẳng cần đọc sách làm gì.

Bởi, như nhà văn Linda Lê đã nói một cách rất sâu sắc: sách là nơi người ta “đem những niềm tin chắc đinh ninh của mình đánh đổi lấy những cơn chóng mặt và những tròng trành”. Nói cách khác, sách làm lay chuyển những niềm tin giáo điều của chúng ta. Nếu muốn có một đinh nghĩa về văn hóa đọc thì riêng tôi, tôi muốn thử đưa ra định nghĩa đó.

Đọc sách là để biết rằng cuộc đời, thế giới là vô cùng phức tạp và phong phú, hết sức đa nghĩa. Để đừng sống một cách giáo điều. Để dám và biết sáng tạo. Một văn hóa đọc như vậy tất nhiên phải được xây dựng dần dần, và nó cũng thấm vào người ta dần dần, thường là một cách không hoàn toàn ý thức, bắt đầu từ động tác đầu tiên: cầm lấy cuốn sách lên và đọc.

Đọc sách là việc tự nguyện, chẳng ai và chẳng có mệnh lệnh nào buộc người ta đọc sách được cả. Theo tôi, trước hết cần kiên trì gây dựng lại trong xã hội thói quen, không khí, quan niệm coi sách vở, coi chữ nghĩa là quý, là thiêng liêng.

Ngày xưa, khi còn học chữ nho, mỗi khi lỡ đặt một tờ giấy có chữ xuống đất thì người ta coi là có tội, phải liền cầm đặt lên đầu. Đấy là “chữ của thánh hiền”, là thiêng liêng, là thứ phải sùng bái. “Phong kiến” hay mê tín ư? Không hề, đấy là coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cao quý hơn mọi thứ trên đời. Đấy là văn minh.

Nên khoe sách chứ đừng khoe tủ rượu!

Lại nói chuyện Phần Lan, ở bên ấy khi một đứa bé được sinh ra thì quà tặng nó là một giỏ sách, thật là một đất nước văn minh và hạnh phúc. Cần kiên trì xây dựng lại cái văn minh ấy ở ta. Tôi nghĩ với tình hình ở ta bây giờ, trước tiên là khuyến khích người ta cầm một cuốn sách lên mà đọc cái đã, bất cứ sách gì cũng được; và trước tiên là trong giới những người được coi, tự coi mình là người có văn hóa, học sinh, sinh viên, cán bộ, thanh niên…

Theo chỗ tôi biết, có không ít sinh viên, thậm chí cả sinh viên khoa văn, chưa bao giờ đọc trọn một cuốn sách, chỉ đọc một số trích đoạn bắt buộc. Có những vị thạc sĩ, tiến sĩ không bao giờ đọc một cuốn sách cho đến đầu đến đũa. Nhà trường cần có quy định hẳn hoi lớp nào thì phải đọc hết những cuốn sách nào, hướng dẫn cách đọc, có kiểm tra, có buộc làm báo cáo.

Bớt giờ học những môn ai cũng biết là hình thức và vô bổ đi, thậm chí thử cắt bớt một nửa phần kiến thức đang dạy đi, xem thử có chết ai không, tôi tin rằng không, mà trái lại học trò của ta sẽ thông minh hơn, thoải mái, tự tin, chủ động, sáng tạo hơn.

Nên dành thì giờ cho người ta đọc sách. Hãy làm cho nhà trường trở thành nơi đầu tiên (cùng với gia đình) tạo cho con người ý niệm về sự cao quý của chữ nghĩa, sách vở, tập thói quen, nhu cầu và niềm say mê đọc…

Đoàn thanh niên của chúng ta có bao nhiêu hoạt động, phong trào này phong trào nọ, học cái này cái nọ, rầm rộ, trong đó phải nói thật có rất nhiều cái chỉ là hình thức và vô bổ. Tại sao đoàn thanh niên không có cuộc vận động mỗi thanh niên một năm hãy đọc lấy một cuốn sách? Tôi tin nếu làm như vậy thì đoàn, thanh niên của đoàn sẽ khá ra, trong sạch hơn rất nhiều.

Cũng cần vận động khôi phục, xây dựng các tủ sách gia đình, chống lại kiểu văn hóa trọc phú, nhà giàu nào cũng có một tủ rượu rất sang mà tuyệt đối không có tủ sách, đem khoe với mọi người bao giờ cũng là khoe tủ rượu chứ không hề khoe tủ sách… Cố gắng làm cho được trong một số giới gọi là có văn hóa như vậy, rồi dần dần lan rộng ra…

Đừng tự làm mình nghèo đi

Tôi nghĩ, không nên bắt ai cũng đọc những cuốn sách “cấp cao” như tủ sách Tinh hoa của nhà xuất bản Tri thức thì mới gọi là có văn hóa đọc. Những cuốn sách ấy bao giờ cũng vậy, ở đâu cũng vậy, thường chỉ giành cho giới tinh hoa (élite) của xã hội, chẳng nơi nào có được người đọc đại trà đâu. Nó thấm vào giới tinh hoa, rồi từ giới ấy mà theo những con đường khác nhau thẩm thấu dần vào xã hội.

Và ngay nhà xuất bản Tri Thức cũng hiểu rõ điều này nên bên cạnh tủ sách Tinh hoa còn có một tủ sách Vòng ngoài gồm những cuốn cũng thật hay nhưng dễ đọc hơn, chẳng hạn bộ ba sách của J. Diamond (nhân đây cũng xin nói: tôi biết trong danh mục các sách bắt buộc trong chương trình của trường Boston College, một trường đại học rất nổi tiếng, thấy có những cuốn sách ấy của Diamond bên cạnh Kinh Thánh, Đạo đức kinh của Lão Tử, tác phẩm của Kant, Hégel, Marx và nhiều tác giả kinh điển Đông Tây).

Tôi cũng thấy nếu có nhiều người thường xuyên đọc những cuốn sách dạy về thuật kinh doanh, lý thuyết kinh tế, bí quyết làm giàu, giáo trình tin học… thì cũng chẳng có gì là xấu, là sai. Họ đọc những cuốn sách đó vì họ có nhu cầu về những vấn đề đó, đọc cũng tốt chứ có sao đâu (Còn hơn là suốt đời chỉ đọc báo về các vụ án, buồn thay là loại báo bán chạy nhất hiện nay!).

Chỉ có điều nếu chỉ hạn chế đọc mỗi loại sách ấy thôi thì là sẽ tự làm nghèo mình đi, và điều này còn quan trọng và thiết thực hơn, nếu chỉ đọc như vậy thì chính tác dụng của những cuốn sách kia cũng sẽ rất hạn chế, chỉ là những thứ kỹ thuật thực dụng khô khan, không có hồn.

Tôi biết bây giờ ngay trong giới kinh doanh cũng đã có khá nhiều người hiểu sâu sắc rằng văn hóa chính là nền tảng của kinh doanh thành công, có lẽ chính hiện nay giới kinh doanh là giới ngày càng có văn hóa hơn cả, có nhu cầu văn hóa hơn cả.

Chúng tôi cũng nhận ra điều này trong hoạt động của sachhay.com. Cần có những hoạt động như kiểu sachhay.com để giúp họ ngày càng đến gần với sách hơn, đọc càng nhiều loại sách phong phú hơn, sách kinh doanh, sách dạy làm giàu, sách triết học phổ thông, sách khoa học xã hội và tự nhiên, sách văn học nghệ thuật ...

Cũng không cần quá lo về sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại sẽ giết chết sách. Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, ở đó các phương tiện truyền thông phát triển và hiện đại hơn ta nhiều, đã chứng minh điều ngược lại.

Tôi tin và chờ đợi nhiều hơn ở xã hội dân sự

Xin nói rõ ý tôi về chỗ này: sự tụt hậu về trí thức là có, đáng lo; nhưng nghèo nàn về tinh thần dân tộc thì theo tôi là không đâu. Hãy nhìn các động thái của thanh niên trong một vài sự kiện chính trị xã hội vừa qua thì sẽ rõ. Họ không hề thua kém các thế hệ trước về ý thức chính trị xã hội và tinh thần dân tộc, họ rất dũng cảm và rất khôn ngoan. Và cũng xin nói thật: tôi không chờ đợi nhiều ở các nhà chức trách, họ vẫn còn rất nặng tư duy “gác cổng”, ngăn chặn.

Tôi không chờ đợi “tư duy cởi mở và cái tâm vô vụ lợi của các nhà quản lý”. Chờ thế e rồi cũng là ảo tưởng thôi. Thậm chí tôi thấy gần đây còn có biểu hiện của một lo lắng không lành mạnh và trái quy luật: người ta sợ sự phát triển của tư nhân trong các lĩnh vực này.

Vừa qua rõ ràng sự tham gia của thành phần tư nhân, dầu còn ở mức dè dặt, đã khiến cho tình hình xuất bản có khởi sắc sắc rõ rệt, sách hay in được nhiều hơn, tử tế hơn, xuất bản rõ ràng đã năng động hơn, lý ra càng nên tiếp tục phát triển mạnh hơn, thì người ta đã cho rằng tỷ lệ tham gia của tư nhân như thế là lớn quá, sợ “mất định hướng”!

Nói thật, tôi cũng không thật sự quá lo về những suy nghĩ như vậy, bởi rồi cuộc sống sẽ vượt qua và quét hết những lo lắng vớ vẩn ấy mà đi tới đích. Chẳng có gì và chẳng ai ngăn được đâu. Có thể có điều đáng tiếc là nó có làm chậm đi ít nhiều quá trình vận động tới đích.

Ngay trong chuyện chuyển động của văn hóa đọc, tôi tin và chờ nhiều hơn ở xã hội dân sự, bất chấp tất cả, đang ngày càng phát triển. Ngay đối với một “lô cốt” như ngành giáo dục hiện nay - như đã nói trên, lẽ ra là nơi con người đầu tiên được biết đến niềm hạnh phúc đọc - thì để chuyển động được nó hẳn cũng phải là từ tác động của dư luận xã hội, của các phương tiện truyền thông, của các tổ chức xã hội v.v. Những hoạt động như của sachhay.com. được nhân nhiều lên và rộng ra sẽ có thể có tác dụng rất tốt.

Sách, đọc sách là niềm vui, là hạnh phúc. Con người đọc sách trước hết vì niềm hạnh phúc được lắng mình lại với chính mình, đồng thời lại được mở rộng mình ra với thế giới mênh mông, cả thế giới thật của những người khác, của đồng loại, lẫn thế giới ảo mà mỗi người với một cuộc đời duy nhất của mình không thể có được.

Những hoạt động như của sachhay.com, theo tôi, nên cố gắng không quá nghiêm trang, nặng nề, phải cố gắng làm sao để người ta đến đó thì thấy vui, như gặp người thân, gặp người yêu, nhẹ nhàng, có thể cởi mở hết mình, được nghe những tâm sự chân tình và thú vị. Dần dần như vậy, khơi gợi lại niềm thích thú đọc, cho đến khi trở thành một nhu cầu không thể thiếu.

Một trong những điều quan trọng khác, theo tôi, là cần có nhiều tác động khác nhau đối với nhà trường để cho nơi ấy trở thành một thiên đường hạnh phúc của trẻ thơ được biết đến thế giới kỳ lạ và kỳ thú của sách. Đừng để cho trẻ em “điếc” với sách ngay từ tuổi thơ. Sẽ là một tội ác đấy!

Tất nhiên, để làm được điều đó phải có nỗ lực chung của cả cộng đồng. Tôi chỉ muốn nói thêm: cũng đừng quá sốt ruột, đừng ảo tưởng sẽ giải quyết được rốt ráo ngay, phải rất kiên trì. Ngay việc vấn đề sách và đọc được đặt ra, được báo động như hiện nay cũng là một dấu hiệu tích cực. Hãy hy vọng.

NGUYÊN NGỌC - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới