Nguyên nhân chính khiến số ca tử vong do bệnh dại gia tăng

(PLO)- Nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục tăng do tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Ngày 13-3, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết trong hai tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (10 trường hợp).

Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại, trong đó Đắk Lắk có bốn ca tử vong, Gia Lai có một ca. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh từ 10-15 ngày, nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Trong hai tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong do bệnh dại. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại ở người là do bị động vật nghi dại cắn, không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Cùng với đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo, thậm chí có nơi chỉ đạt 10%. Trong khi đó, chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là trong việc thực hiện quy định về tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo, cũng như quản lý đàn chó, mèo. Nhiều người dân không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, vaccine phòng dại kịp thời sau khi bị động vật nghi dại cắn, hoặc tự chữa trị bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Đồng thời, không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Người bị động vật cắn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Ngoài ra, cần truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỉ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca tử vong do dại cao như Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới