Ngày 26-10, tin từ Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết vừa chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức công bố nguyên nhân cây chết, nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng và nhiễm mặn tại khu vực xung quanh bãi xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết.
Cụ thể, tháng 2-2017, một số hộ dân sinh sống tại khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, phía Tây Nam bãi thải xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có phản ánh về tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát thực tế và lấy, phân tích mẫu nước, đất tại khu vực các hộ dân phản ánh; đồng thời lấy mẫu tro xỉ, mẫu nước tưới trong bãi xỉ để phân tích, đánh giá. Qua kết quả phân tích mẫu nước dưới đất, mẫu đất của các hộ dân và mẫu tro xỉ, mẫu nước của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho thấy hàm lượng clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2 lần đến 1,8 lần, hàm lượng clorua trong 4/5 hồ nước để phục vụ nhu cầu tưới tro, xỉ vượt từ 1,05 lần đến 1,8 lần, đất bị mặn.
Để xác định nguyên nhân dẫn đến ngập úng, cây chết, nước bị nhiễm mặn, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất chọn đơn vị độc lập là Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện nhiệm vụ xác định nguyên nhân. Đơn vị này đã đo địa vật lý (ảnh điện) dọc bốn tuyến cắt ngang qua khu vực bị ảnh hưởng tiềm năng, tổng cộng khoảng 3.000 m; tiến hành khoan bổ sung tám lỗ khoan địa chất thủy văn dựa vào kết quả đo ảnh điện; lấy mẫu khảo sát bổ sung: các mẫu đất trong khu dân cư, đất có lẫn san hô đổ đống ven đường, mẫu nước ngầm, nước mặt ở khu vực xung quanh bãi xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2...
Kết quả khảo sát thực tế kết hợp phân tích bản đồ địa hình đã xác định được khu vực bị ngập úng cục bộ với diện tích khoảng 13,2 ha. Trong khu vực này, nước thường tồn đọng lại thành từng cụm nhỏ trên bề mặt, mực nước trong các giếng đào đã dâng lên xấp xỉ gần bằng với mặt đất tự nhiên và phần lớn diện tích cây trôm bị thiệt hại đều nằm trong vùng này.
Qua các kết quả khảo sát và nghiên cứu, Viện Môi trường và Tài nguyên đã kết luận như sau: Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cây trôm bị chết là do bị ngập úng (dấu hiệu phổ biến là rễ cây bị hư thối), không phải do bị nhiễm mặn.
Gần 5 ha cây trôm của người dân bị chết.
Nguyên nhân gây ngập úng cục bộ ở khu vực này là do: Trong năm 2016 lượng mưa tại khu vực này gia tăng đột biến so với các năm 2012-2015 nên đã góp phần thúc đẩy nhanh sự ngập úng; điều kiện tiêu thoát nước ở khu vực kém. Hệ thống cống thoát nước bề mặt ngang qua tuyến đường sắt Bắc-Nam không được duy tu bảo dưỡng tốt, cây cối mọc nhiều phía trước miệng cống làm cản trở dòng chảy, giảm năng lực thoát nước từ đó góp phần làm gia tăng mức độ ngập úng tại khu vực.
Do chưa có tuyến kênh thoát lũ ngoại lai ở phía Bắc bãi xỉ nên nước mưa từ trên sườn núi cao đổ xuống không có đường tiêu thoát, bị thấm hết xuống đất làm gia tăng dòng chảy ngầm và mực nước ngầm tầng nông. Trong đó đáng chú ý là sự hình thành bãi thải xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.
Đặc biệt, về nguyên nhân gây nhiễm mặn đất và nguồn nước ở khu vực xung quanh bãi xỉ hoàn toàn không có nguồn gốc nào từ tự nhiên mà chủ yếu là do tác động của con người. Cụ thể nguồn nước ngầm ở khu vực này trước đây dùng được cho ăn uống (tức là không bị nhiễm mặn hoặc lợ) và địa hình khu vực này có độ cao từ 12 m trở lên so với mực nước biển, các nhánh suối nhỏ trong vùng không bị ảnh hưởng của thủy triều nên khả năng xâm nhập mặn từ biển vào khu vực này là hoàn toàn không có (do độ chênh lệch địa hình khá lớn) mà do tác động của con người là chính.
Quan sát thực tế cho thấy tại khu vực này dọc theo các tuyến đường mòn phía Tây và phía Bắc bãi xỉ có những đống đất cát có lẫn san hô. Hiện tượng đổ đất ở đây được ghi nhận từ năm 2016 do quá trình thi công các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Kết quả phân tích 18 mẫu đất cho thấy các mẫu đất đổ đống có giá trị pH 6,04-9,05, hàm lượng clorua (Cl–) 25-2235 mg/kg, độ mặn 0,22-1,43 ‰.
Các đống đất này có nguồn gốc từ phía ven biển đưa lên mang theo một hàm lượng muối nhất định trong đó. Theo thời gian, khi gặp mưa, độ mặn trong đất bị rửa trôi theo nước mưa, một phần chảy tràn trên bề mặt xuống khu vực trũng thấp phía Tây bãi xỉ, một phần thấm xuống đất đi vào tầng nước ngầm mạch nông, từ đó góp phần gây nhiễm mặn cho khu vực xung quanh. Đến nay đã xác định phạm vi cây trôm bị chết hoặc bị ảnh hưởng: 4,63 ha; đất bị ngập úng: 13,2 ha; nước dưới đất bị lợ: 12,4 ha.
Qua kết quả công bố, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ tiếp tục báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đề nghị Tổng Công ty Phát điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn nước dưới đất, nước mặt trong khu vực; triển khai thực hiện kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và đề xuất biện pháp hỗ trợ để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân tại khu vực.
Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Tuy Phong, UBND xã Vĩnh Tân niêm yết công khai nội dung báo cáo trên tại UBND xã Vĩnh Tân và giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm ổn định đời sống người dân tại khu vực.