Vụ nạo vét, nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận kéo dài hơn 9 tháng qua vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Từ tháng 11-2016, khi hồ sơ dự án nhận chìm khá đẹp được trình lên Bộ TN&MT xin giấy phép, dư luận, người dân địa phương vô cùng bàng hoàng khi biết vị trí nhận chìm nằm rất gần vành đai bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của quốc gia, một trong 18 vùng nước trồi tốt nhất thế giới ngoài vẻ đẹp đến kinh ngạc, còn là nơi có quần thể san hô cùng những sinh vật biển quý hiếm, nơi lưu giữ những giá trị sinh thái độc đáo và khác biệt của đại dương.
Hòn Cau cũng là nơi Rằm tháng Tư hằng năm, ngư dân khắp nơi dong ghe thuyền về để tổ chức lễ hội để biết ơn hòn đảo nhỏ đã mang nguồn lợi thủy sản dồi dào, mang cơm no áo ấm, sinh kế cho họ và gia đình.
Rất nhiều nhà khoa học rồi báo chí lên tiếng phản biện dự án này bởi nếu không cẩn trọng, khảo sát khoa học thì việc nhận chìm có thể giết chết Hòn Cau.
Bộ NN&PTNT ngay sau đó cũng có công văn bày tỏ những lo ngại từ việc nhận chìm này đối với “sinh mệnh” của khu bảo tồn biển quý giá này.
Dự án này sau đó phải dừng lại để chỉnh lý, bổ sung. Người dân Bình Thuận và dư luận cả nước hy vọng cơ quan quản lý sẽ có những cân tính kỹ càng và tìm ra giải pháp phù hợp hơn.
Nhưng tất cả lại một lần nữa tá hỏa trước tờ giấy phép do Thứ trưởng Bộ TN&MT ký, cho phép Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống vùng biển này.
Điều đáng nói là báo chí đã phát hiện một số nhà khoa học trong danh sách những người tham gia thực hiện hồ sơ dự án của đơn vị tư vấn đã bị mạo danh, trong đó có TS Nguyễn Tác An, người gắn bó máu thịt cả đời với đại dương và luôn đau đáu với sự sống còn của Hòn Cau. Điều đó cho phép người dân và dư luận được quyền nghi ngờ các lập nội dung trong hồ sơ dự án - căn cứ mà Bộ TN&MT cấp phép.
Đó là chưa nói đến những điều tra về mặt xã hội như ý kiến của người dân địa phương, đời sống kinh tế của bà con bao năm gắn bó với vùng biển này đã bị bỏ ngỏ.
Hàng vạn ngư dân ở Ninh Thuận, Bình Thuận vô cùng lo lắng; vùng nuôi tôm giống tốt nhất Việt Nam nơi cung cấp 25% sản lượng cho cả nước bàng hoàng, đồng muối Vĩnh Hảo lớn và tốt nhất Việt Nam nơi có cuộc sống mặn chát của nhiều diêm dân đứng ngồi không yên.
Những người hiểu đời sống của vùng biển này nằm lòng và nhiều nhà khoa học còn sốc hơn trước quan điểm cho rằng cứ nhận chìm, khi nào san hô bị tác động thì dừng lại.
Thưa rằng, một khi san hô bị tác động, bị tẩy trắng, bị triệt hạ oan ức, gãy đổ tấp trắng bờ biển thì đâu còn ai có thể ra tay cứu được dù tập hợp được những nhà khoa học hải dương hàng đầu của thế giới này. San hô bị tác động, thủy sinh sẽ biến mất, sinh kế của người dân sẽ là một bài toán, một gánh nặng mà chắc chắn không ai muốn chứng kiến hay đối mặt.
Các nhà khoa học, công luận lại phải một lần nữa lên tiếng mạnh mẽ trước tờ giấy phép này. Trước các phân tích khoa học xác đáng và bao tấm lòng trước nỗi đau của biển, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, trong đó yêu cầu tổng khảo sát, đánh giá lại một cách toàn diện tác động của nó đến mọi mặt. Và hy vọng cứu Khu bảo tồn biển Hòn Cau, cứu vựa tôm giống tốt nhất Việt Nam, cứu hệ sinh thái quý giá nơi đây lại một lần nữa được thắp lên.
Thưa Thủ tướng!
Mỗi người dân có trách nhiệm với quốc gia đều luôn mong muốn địa phương, đất nước mình phát triển. Chúng tôi không phản đối, chúng tôi ủng hộ phát triển! Nhưng như Thủ tướng đã nhiều lần nói trước nhân dân rằng không đánh đổi môi trường bằng mọi giá để phát triển, chúng tôi rất ủng hộ quan điểm đó của người đứng đầu Chính phủ.
Vì thế tính toán lại giải pháp đối với việc xử lý khối chất nạo vét trên và nhiều khối chất nạo vét sau này nữa là điều cần kíp lúc này. Về lâu về dài phải quy hoạch lại khu vực nhận chìm, các phương pháp nhận chìm để đảm báo tính khoa học cao nhất, hạn chế thiệt hại thấp nhất. Chúng tôi tin rằng Chính phủ đã thấy ra điều đó.
Trở lại dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống vùng biển Tuy Phong, chúng tôi mong Thủ tướng cân nhắc để có một quyết định đúng đắn nhất. Đó không chỉ là mệnh lệnh của lòng dân mà còn là giữ lại những giá trị vĩnh cửu cho Khu bảo tồn Hòn Cau, nơi ngoài hệ sinh thái đa dạng còn là vật thiêng của không chỉ vùng biển Bình Thuận mà còn là của đất nước.