Đó là ý kiến của nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương về vụ bị cáo Lê Thị Trang bị TAND TP Phủ Lý (Hà Nam) kết án 12 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Như đã thông tin, việc khởi tố, truy tố và kết án bị cáo đang khiến dư luận chú ý. Bởi Trang chỉ làm sứt mép mặt bàn đá trong lúc cãi vã nóng giận với bị hại (hiện bị hại dán keo và sử dụng bàn bình thường). Trang đã đền gấp đôi thiệt hại, đã giảng hòa với bị hại nhưng vẫn bị xử phạt nặng.
Ông Phương cho biết sau khi xem qua hồ sơ vụ án, nhất là các tài liệu về định giá tài sản (gồm quyết định trưng cầu định giá, biên bản làm việc, kết luận định giá), thấy rằng việc định giá tài sản chưa đúng quy định, chưa khách quan.
Thứ nhất, hội đồng định giá phải lấy báo giá của ít nhất ba doanh nghiệp, cơ sở thương mại kinh doanh mặt hàng đó ở địa phương, hoặc có thể lấy tại các địa phương khác (cộng thêm chi phí vận chuyển từ địa phương khác về TP Phủ Lý). Trên cơ sở ba báo giá đó, hội đồng định giá đánh giá, xem xét để xác định mức giá có thể bằng giá trung bình của các mức giá.
Lê Thị Trang trình bày sự việc. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Thứ hai, hội đồng định giá toàn bộ mặt bàn là gần 2,9 triệu đồng, mặt bàn đã bị hư hỏng, vậy nếu khắc phục (cắt, xén phần sứt sẹo, làm mặt bàn nhỏ hơn mặt bàn thiệt hại) thì giá trị mặt bàn mới là bao nhiêu sau khi trừ đi tiền công. Trên cơ sở đó mới tính giá thiệt hại bị hư hỏng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu làm như vậy thì đầy đủ cơ sở pháp lý hơn, công bằng hơn.
Chưa kể hội đồng định giá cần phải xác định giá thực bán trên cơ sở kiểm tra sổ sách bán hàng của doanh nghiệp, cơ sở thương mại bởi thực tế thông thường báo giá so với giá bán có sự chênh lệch, thường là đắt hơn.
Vấn đề quan trọng nữa là khi truy cứu trách nhiệm hình sự trách nhiệm hình sự với Lê Thị Trang, cần xem xét thêm các yếu tố. Trước hết, nếu bắt bị cáo bồi thường toàn bộ mặt bàn thì bị cáo phải được nhận lại chiếc mặt bàn đó. Tuy nhiên, thực tế cơ quan điều tra lại trả mặt bàn cho chủ sở hữu. Tiếp đó, bị cáo đã bồi thường 6 triệu đồng, hơn gấp đôi giá trị của định giá (giả định việc định giá đúng và khách quan). Chưa kể thái độ của bị cáo đã có sự ăn năn hối hải, tự đến xin lỗi người bị hại và chủ động hòa giải.
Về nguyên nhân sâu xa, cơ quan tố tụng cũng cần xem lại mối quan hệ dẫn đến mâu thuẫn giữa bị cáo với quán karaoke, quán có lỗi gì không. Ngoài ra cũng cần xét đến hoàn cảnh gia đình bị cáo đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Bị cáo không có tiền án, tiền sự nhưng về nhân thân, bị cáo đã có một bản án (cách đây bảy năm), hai lần bị xử phạt hành chính (cách đây hơn ba năm).
Nếu như xem xét việc định giá như đã nói ở trên, đổi giá trị để cấu thành tội phạm, có xử lý hình sự thì phải xem xét các tình tiết vụ án, tình tiết giảm nhẹ, tiền án tiền sự, xem xét hoàn cảnh, điều kiện sống của bị cáo từ sau khi xử phạt hành chính (2014 đến nay) có công ăn việc làm thế nào, thái độ cuộc sống ra sao để xem xét.
Theo ông Phương, trường hợp này có thể áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn như cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ chứ không nên đẩy một người có hoàn cảnh như vậy vào tù. Nếu vụ án có kháng cáo hoặc kháng nghị, khi xét xử phúc thẩm, tòa án phải xem xét thấu đáo những vấn đề về định giá, giá trị tài sản, khấu hao tài sản; đồng thời xem xét về hình phạt phù hợp hay chưa.