Đây là vụ án gây bức xúc trong dư luận vì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trang trong trường hợp này là không cần thiết, hình sự hóa vụ án. Bởi nếu trường hợp nào tương tự thế này cũng truy tố, xét xử thì làm sao cho xuể!
Nguyên nhân xuất phát từ việc tối 3-2, Trang đến quán karaoke Thanh Hà (do bà Nguyễn Thị Thanh Hà làm chủ) thì xảy ra mâu thuẫn. Lời qua tiếng lại, Trang và bà Hà lao vào giằng co nhau.
Mặt bàn vẫn tiếp tục sử dụng được sau khi vết nứt được khắc phục.
Thấy mẹ xô xát, hai người con gái của bà Hà liền xông vào và cùng mẹ giật tóc, cào cấu Trang. Ngay sau đó một người đàn ông có mặt tại quán karaoke vội đến can ngăn nên sự việc dừng lại. Tuy nhiên, khi được mọi người đẩy ra gần chiếc bàn có khung nhựa, mặt đá, Trang vẫn tiếp tục “khẩu chiến” rồi cầm chiếc cốc thủy tinh dằn xuống mặt bàn khiến mặt bàn bị sứt mép. Sau đó một số người bạn của Trang biết chuyện vội đến đưa người này về nhà.
Cơ quan tố tụng xác định chiếc mặt bàn bằng đá của gia đình bà Hà bị sứt hai vị trí, tổng giá trị thiệt hại chiếc mặt bàn của gia đình bà Hà là hơn 2,8 triệu đồng.
Trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, Trang cho biết cô có một nhóm bạn đi Phủ Giầy ghé qua chơi nên quyết định mời họ đi hát karaoke. Trang đặt chỗ trước tại quán karaoke Thanh Hà nhưng khi đến đó nhân viên không thừa nhận việc này dẫn đến lời qua tiếng lại.
Chiếc bàn bị hư hỏng.
Sự việc sau đó được dàn xếp, nhóm bạn của Trang lên phòng hát. Cô thì bức xúc và cảm thấy “mất mặt” trước bạn bè nên đã quay xuống và đôi bên tiếp tục “tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại”, sau đó va chạm xảy ra.
“Cả nhà họ xông vào đánh em, có người còn lấy dao khua khoắng, vì dao cùn nên em chỉ bị một vết ở mặt… Tới lúc em muốn về, họ không cho em về, còn đe dọa em, nói gia đình họ quen biết rộng…” - Trang kể lại.
Cũng theo lời Trang, ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an Phủ Lý đã gọi cô lên làm việc và khẳng định “sẽ xử lý theo pháp luật”.
Sau đó, thông qua một người bạn quen biết cả hai bên, Trang và gia đình chủ quán karaoke đã dàn xếp thỏa thuận miệng, thống nhất đôi bên đều bị thương tích nhưng không đề nghị giám định thương tích. Bên thiệt hại yêu cầu đền 6 triệu đồng là giá mua chiếc bàn.
Lê Thị Trang tại tòa.
Trang cho biết cô cũng không biết giá trị bàn là bao nhiêu, thấy họ yêu cầu vậy thì cũng bồi thường, đôi bên không có giấy biên nhận về việc giao nhận tiền. Tuy nhiên, kết luận điều tra thể hiện bà Nguyễn Thị Thanh Hà đã nhận đủ số tiền Trang bồi thường và không có đề nghị gì khác về dân sự.
Luật sư Giang Hồng Thanh (luật sư bào chữa cho bị cáo Trang tại phiên sơ thẩm) cho biết: Trước khi diễn ra phiên sơ thẩm, luật sư đã gửi tới TAND TP Phủ Lý (Hà Nam) bản kiến nghị yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án này. Theo đó, luật sư cho rằng cơ quan điều tra và VKSND TP Phủ Lý khởi tố, truy tố Trang về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 điều 143 BLHS 1999 là “không đúng pháp luật, có thể khiến một người bị kết tội oan”.
Theo luật sư Thanh, một trong những căn cứ trực tiếp được sử dụng để buộc tội Trang là kết luận định giá tài sản, theo đó hội đồng định giá thiệt hại của chiếc bàn là xấp xỉ 2,9 triệu đồng. Tuy nhiên, kết luận này lại có những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục định giá tài sản. Cụ thể, khảo sát giá không phải tại nơi tài sản bị xâm phạm (tài sản bị xâm phạm tại Phủ Lý nhưng lại khảo sát giá tại Hà Nội), không thu thập ít nhất ba mức giá, định giá dựa trên báo giá đối với một mặt bàn có kích thước lớn hơn mặt bàn bị thiệt hại…
Đáng chú ý hơn, theo kết luận đã xác định sai đối tượng bị thiệt hại. Số tiền gần 2,9 triệu đồng là giá trị của toàn bộ mặt bàn chứ không phải đối với phần bàn bị vỡ. Trang bị buộc tội cố ý làm hư hỏng tài sản chứ không phải tội hủy hoại tài sản. Và hiện tại chiếc bàn bị vỡ mặt đá đã được bà Thanh Hà dán keo và sử dụng bình thường khi được cơ quan điều tra trả lại.
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện Trang là bà mẹ đơn thân, có một con sinh năm 2015 và đã từng có tiền án, tiền sự.