Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Không thể để tích tụ ruộng đất tự phát

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quy định về hạn điền để mở đường cho tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng đời sống nông dân.

Xung quanh vấn đề có bỏ hạn điền hay không để tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất sản xuất lớn và những trở ngại được đặt ra khi giải quyết câu chuyện này (Pháp Luật TP.HCMđã có bài phản ánh), ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nói:

Theo tôi, nên bỏ hạn điền. Phần lớn các nước không quy định hạn điền. Tuy nhiên, bỏ hạn điền nhưng cũng lại cần có một giới hạn. Tích tụ ruộng đất nhưng không thể tích tụ tự phát rồi để hoang hoặc sử dụng không hiệu quả. Như thế là phá nát nền nông nghiệp. Làm sao để tích tụ ruộng đất một cách có hiệu quả, tránh lãng phí. Nếu không, tích tụ ruộng đất sẽ có tác dụng ngược. Người tích tụ đất đai phải sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả, nếu không sẽ bị thu hồi đất đó.

Vấn đề sẽ tiếp tục còn tranh luận

. Bỏ hạn điền để tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất là vấn đề đã được đặt ra từ khi xây dựng Luật Đất đai 2003 nhưng không được chấp thuận. Vậy ở lần sửa đổi này, theo ông có bỏ được không?

+ Trước đây, khi quy định theo hướng đất đai là hàng hóa, đất đai có giá, được quyền chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp đã rất khó khăn. Theo tôi, sửa Luật Đất đai lần này nếu theo hướng không giới hạn về diện tích sử dụng đất và thời gian giao đất cho cá nhân, tổ chức thì sẽ vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình.

Khi xây dựng Luật Đất đai 2003, vấn đề này cũng đã được đặt ra nhưng không được chấp thuận vì có nhiều ý kiến phản đối cho rằng việc giao đất như thế là quá nhiều, nông dân “ôm” sao nổi, cần phải chia nhỏ hơn nữa. Để tạo được sự đồng thuận không phải dễ. Căn nguyên của quan điểm này là bởi chúng ta đã có một thời gian dài sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nhiều người đã quá quen với điều đó. Vì vậy, cần tạo sự đồng thuận trong xã hội. Điều cần làm ngay từ bây giờ là chuẩn bị về nhận thức và dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quy định về hạn điền để mở đường cho tích tụ ruộng đất.Ảnh: CTV

Mấu chốt là giải quyết việc làm

. Một trong những cách để tích tụ ruộng đất, gom đất thành những mảnh lớn là dồn điền đổi thửa. Nhưng nhiều nơi không làm được, vì sao vậy, thưa ông?

+ Việc tích tụ ruộng đất như thế nào là vấn đề khó. Trên một khu đất, có người bán, có người không, có người thà để bỏ hoang đó. Về nguyên nhân, có nhiều yếu tố tâm lý. Người dân giữ đất vì sợ rằng khi có sa sẩy còn có đất mà bám vào để sống, nếu bán rồi là hết. Ruộng đất đeo đuổi với nông dân như hình với bóng. Đó cũng là đặc điểm của người nông dân phương Đông.

1.400 m2 à diện tích bình quân của một thửa đất nông nghiệp (không tính đất lâm nghiệp) của nước ta hiện nay. Trung bình mỗi hộ dân có 0,7 ha đất nông nghiệp. Như vậy, diện tích đất nông nghiệp của các hộ trên mỗi thửa rất manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, để tăng quy mô sản xuất phải tăng cường việc tích tụ ruộng đất. Đây là phát biểu của ông Đặng Quang Phán, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT, trên VOV năm 2010.

Thực tế ở nhiều làng nghề, nhiều người không làm ruộng nhưng cũng không chịu bán mà đem cho thuê. Cho thuê đất cũng là một cách để tích tụ ruộng đất. Nhưng cả một khu ruộng còn một nhà không cho thuê thì tính sao? Đó là những trường hợp cụ thể đặt ra trong cuộc sống. Rất khó! Hiện Trung Quốc cũng đang gặp khó trong việc tích tụ ruộng đất.

. Khi bàn về tích tụ ruộng đất, có băn khoăn lớn là làm sao đảm bảo việc làm cho những nông dân không còn đất. Giải quyết điều này thế nào?

+ Nhiều người đặt ra câu hỏi: “1 ha đất hiện đang giải quyết việc làm cho 15 lao động, giờ tích tụ ruộng đất, sản xuất theo hướng hiện đại thì những người này làm gì để sống?”. Theo tôi, mấu chốt của tích tụ ruộng đất là phải giải quyết việc làm mới cho nông dân không còn làm nghề nông. Nhà nước có được một bộ phận nông dân có thu nhập tốt từ tích tụ ruộng đất thì phải bỏ tiền ra giúp nông dân khác. Tuy nhiên, phải đào tạo anh thợ xây cho ra thợ xây, thợ hàn ra thợ hàn… Nông dân phải cảm thấy thực sự yên tâm thì họ mới chuyển đất đó cho người khác. Còn nếu người dân chưa yên tâm thì họ vẫn lo ngay ngáy và vẫn giữ ruộng đất đó.

Làm nông nghiệp cũng phải qua đào tạo

Hà Lan là nước có diện tích và dân số chỉ tương đương với đồng bằng sông Cửu Long, trang trại của họ bình quân chỉ 10 ha nhưng lại là nước có nền nông nghiệp đứng đầu thế giới. Yếu tố quyết định đến sự thành công đó là do họ có đội ngũ nông dân lành nghề. Nông dân của họ có kỹ năng, trình độ về cả nông nghiệp lẫn kinh doanh… Bên cạnh đó, họ có hạ tầng nông nghiệp rất hiện đại.

Ở Hà Lan, người làm nông nghiệp ít nhất phải qua đào tạo nghề này ở bậc phổ thông. Sau đó, những người đam mê nông nghiệp sẽ qua trường lớp như ĐH nông nghiệp. Ở đó, họ sẽ được đào tạo chuyên sâu về trồng rau, trồng hoa, trồng lúa mì… Cùng với đó họ còn được đào tạo về quản trị kinh doanh để quản lý trang trại và kinh doanh. Chủ trang trại ở Hà Lan phải có bằng mới được làm trang trại.

Đây là một nền nông nghiệp hoàn toàn cạnh tranh. Nhà nước không bao cấp gì cả, chỉ đầu tư tốt về hạ tầng như thủy lợi, giao thông. Đối với những trang trại làm ăn không hiệu quả, nhà nước khuyến khích cho phá sản. Thậm chí nhà nước còn hỗ trợ cho phá sản, lấy đất đó giao cho người biết làm ăn.

Nguyên Phó Thủ tướng NGUYỄN CÔNG TẠN

Gắn với cơ giới hóa

Tích tụ ruộng đất là điều đương nhiên. Tích tụ phải gắn với cơ giới hóa như các nước phát triển. Khi quá trình tích tụ diễn ra hoàn toàn mang tính chất thị trường thì ai mạnh về kinh tế, biết làm ăn sẽ tích tụ được ruộng đất. Ngược lại, người nghèo nếu chuyển nhượng thì đất ít đi hoặc không còn đất sản xuất.

Với nông dân, ai có khả năng thì tích tụ ruộng đất, người nghèo và người trung bình có thể tiếp tục làm nghề nông ở trong những trang trại - làm thuê hoặc làm nghề khác không phải nghề nông.

Ông Vũ Trọng Bình, Phó Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới