Tích tụ ruộng đất: Hình thành nhiều trang trại

Nhiều ý kiến lo ngại khi tích tụ ruộng đất thì người dân sẽ mất việc làm vì không còn đất sản xuất. Nỗi băn khoăn này là hoàn toàn có cơ sở bởi lượng lao động trong nông thôn đang dư thừa.

Gom gió thành “bão”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tích tụ ruộng đất được thực hiện qua các hình thức: chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê đất, thừa kế quyền sử dụng đất; ngoài ra người dân còn được góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hiến kế: Nhiều gia đình có thể hợp lại với nhau làm thành một tổ hợp sản xuất nông nghiệp hay nói cách khác là hợp tác xã. Tất nhiên, đây là hợp tác xã được thành lập dựa trên sự tự nguyện chứ không phải bị ép buộc. Theo đó, những miếng đất riêng lẻ sẽ trở thành trang trại lớn để các thành viên chia sẻ nghĩa vụ và quyền lợi với nhau. Những trang trại đó là pháp nhân chứ không phải là thể nhân.

“Ở nông thôn có thể làm trang trại dưới hình thức một dòng họ, có thể có trang trại của dòng họ Nguyễn, dòng họ Lê, dòng họ Trịnh... ở một làng xã. Ngoài việc làm kinh tế, những người trong dòng họ đó có thể cưu mang nhau trong lúc khó khăn” - ông Võ đưa ra mô hình mới.

Về sản xuất theo quy mô lớn trang trại, ông Võ cho rằng trang trại sản xuất theo mô hình công nghiệp nên ta cần coi mỗi trang trại là một đơn vị kinh tế, trong đó kết hợp được nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Trang trại có thể tiếp cận với thị trường trong nước và thế giới, trực tiếp xuất khẩu nông sản. Như vậy, không thể chỉ có một tầng lớp thương nhân làm chuyện lưu thông phân phối mà sẽ có hiệp hội của những người làm trang trại nông nghiệp. Qua đó, trang trại sẽ có cơ hội để phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, các cơ quan chức năng có thể lồng ghép việc làm trang trại kết hợp với du lịch sinh thái. “Một số miệt vườn ở TP.HCM đã làm theo cách này rất thành công. Dĩ nhiên, du lịch chỉ là “ăn theo”, còn mục đích sử dụng chính của đất đó vẫn là nông nghiệp” - ông Cường nói.

Cho thuê đất, lợi đôi đường

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với những người không muốn làm nông nghiệp hoặc làm nông nghiệp không có hiệu quả nhưng không muốn bán đất thì có thể cho người khác thuê lại đất đó để sản xuất theo giá thỏa thuận. Thời hạn cho thuê đất không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Với phương thức này, những người muốn chuyển sang làm nghề khác vẫn giữ được đất; những người có vốn để thuê lại đất sản xuất có cơ hội phát triển sản xuất.

Ông Cường gợi thêm ý: Nếu không chuyển nhượng, cho thuê, người dân có thể góp cổ phần bằng đất, mỗi người có 3-5 mẫu góp lại, rồi được hưởng lợi từ việc sản xuất trên đất đó. Bấy giờ người nông dân vẫn còn đất và vẫn có nguồn thu từ đất. Ngoài ra, họ có thể kiếm thu nhập từ nghề khác.

Dạy nghề cho nông dân

“Với trình độ sản xuất thấp như hiện nay, chúng ta chỉ làm ra sản phẩm thô mà thôi, giá trị thấp nhưng rủi ro lại cao. Tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn. Nhưng đâu phải cứ có nhiều ruộng đất là làm ra được nhiều hàng hóa. Quan trọng vẫn là con người sử dụng đất đó, đất đai chỉ là điều kiện cần phải có đầu tiên. Người chủ trang trại phải có kiến thức về sản xuất, am hiểu kỹ thuật, am hiểu thị trường và biết quản lý, nếu không thì làm ăn cũng dễ đổ bể”. Ngoài những phân tích này, ông Cường còn lưu ý việc dạy nghề cho nông dân là rất cần thiết nhưng phải có hiệu quả, tránh làm theo kiểu phong trào.

Ông Vũ Trọng Bình (Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị: “Từ trước đến nay, ta chỉ đào tạo cử nhân, tiến sĩ, giáo sư..., thấp nhất là trình độ trung cấp ở nhiều ngành nghề khác nhau. Việc đào tạo nông dân trong một thời gian dài đã bị bỏ quên. Trong khi đó nhiều nước rất quan tâm đến việc đào tạo nghề cho nông dân. Đã đến lúc nông dân Việt Nam cần phải được đào tạo nghề theo hướng sản xuất hiện đại”.

Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng:

Nông dân phải được đào tạo chuyên sâu

Hà Lan là nước có diện tích và dân số chỉ tương đương với đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích trang trại bình quân của họ chỉ là 10 ha. Thế nhưng Hà Lan lại có nền nông nghiệp đứng đầu thế giới. Yếu tố quyết định sự thành công này chính là đội ngũ nông dân lành nghề. Nông dân của họ có kỹ năng, trình độ về cả nông nghiệp lẫn kinh doanh... Bên cạnh đó, họ có hạ tầng nông nghiệp rất hiện đại.

Ở Hà Lan, người làm nông nghiệp ít nhất phải qua đào tạo nghề này ở bậc phổ thông. Sau đó, những người đam mê nông nghiệp sẽ qua trường lớp như Đại học Nông nghiệp. Ở đó, họ sẽ được đào tạo chuyên sâu về trồng rau, trồng hoa, trồng lúa mì... Cùng với đó họ còn được đào tạo về quản trị kinh doanh để quản lý trang trại và kinh doanh.

Đây là một nền nông nghiệp hoàn toàn cạnh tranh. Nhà nước không bao cấp gì cả, chỉ đầu tư tốt về hạ tầng như thủy lợi, giao thông. Đối với những trang trại làm ăn yếu kém, nhà nước khuyến khích phá sản, thậm chí còn hỗ trợ cho phá sản, lấy đất đó giao cho người biết làm ăn.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm