Nguyên trưởng Ban BHXH Việt Nam vừa bị khởi tố là ai?

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 26-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an cho biết đã khởi tố hai vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Việc khởi tố nguyên trưởng Ban BHXH Việt Nam nằm trong giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm. Ảnh: TUỔI TRẺ

Cùng ngày, cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Phước Tường, nguyên trưởng Ban Kế hoạch Tài chính - Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Việc khởi tố trên nằm trong giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm đang được Bộ Công an điều tra mở rộng.

Theo tìm hiểu, đối với những sai phạm của ông Nguyễn Phước Tường, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 21 diễn ra từ ngày 11 đến 20-11-2013 đã đề cập tới.

Cụ thể, trong thời gian giữ chức vụ trưởng ban, phụ trách Phòng Quản lý đầu tư quỹ, Ban Kế hoạch Tài chính, ông Tường đã có khuyết điểm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật ông Tường với hình thức cảnh cáo.

Đối với Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Công ty ALC 2), đã bị tuyên hai bản án tử hình và một bản án 18 năm tù giam trong nhiều phiên tòa khác nhau.

Theo đó, ông Hảo phạm các tội: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô; lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ... Những hành vi sai phạm trong quá trình cho thuê tài chính của Hảo và đồng phạm đã gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước.

Ngoài Hảo, một loạt đồng phạm khác cũng phải lãnh mức án tử hình, chung thân hoặc nhiều năm tù giam.

Về phía Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), đây là công ty được thành lập với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Báo cáo kiểm toán năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước từng chỉ rõ công ty này không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ là mua bán nợ. DATC cũng đầu tư dài hạn tái cấu trúc doanh nghiệp, sử dụng vốn hiệu quả thấp, gửi tiền và cho vay không đúng chức năng nhiệm vụ, thanh khoản kém, có nguy cơ mất vốn.

Trong đó, DATC gửi tiền tại ALC 2 110 tỉ đồng. Đến ngày 31-12-2011, các hợp đồng tiền gửi tại ALC 2 đã quá hạn trên hai năm nhưng chỉ thu được 12,68 tỉ đồng tiền lãi, nguy cơ mất vốn ước tính trên 70 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng hai vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm