Trước đó, Ngân hàng Quân đội có lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn giảm từ 0,1%-0,2%/năm so với đầu tháng 2. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn sáu tháng đã giảm 0,2% xuống còn 5,5%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại MB vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%/năm.
VIB cũng nằm trong danh sách điều chỉnh lãi suất huy động khi giảm từ 0,3%-0,5%/năm so với hồi tháng 1 ở các kỳ hạn 1-3 tháng xuống còn 5%-5,1%. Các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên cũng đã giảm 0,2%-0,4%/năm, hiện ở mức 6,3%/năm.
Trước đó, ở khối quốc doanh VietinBank điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hiện chỉ còn 4,8%, giảm tới 0,5% so với trước đây. Tuy nhiên, hầu hết các kỳ hạn dài lại không thay đổi, từ 12 tháng đến dưới 36 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm vẫn được hưởng lãi 6,8-6,9%/năm.
Lãnh đạo Ngân hàng Nam Á cho biết: Sau khi tăng lãi suất huy động trước và sau Tết Nguyên đán để thu hút tiền nhàn rỗi, trong tháng 4, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất khi đảm bảo thanh khoản ổn định.
Hơn nữa, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nằm trong định hướng phát triển của Nam A Bank cũng như thực hiện theo chủ trương chung của Nhà nước và luôn đồng hành vì lợi ích khách hàng.
Việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động được xem là động thái khá bất ngờ, trái với dự báo trước đó. Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động thời gian qua có lẽ là sau khi các ngân hàng tăng khuyến mãi để huy động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có vẻ như nguồn vốn vào hệ thống khá nhiều.
Trong khi đó lượng tín dụng đẩy ra nền kinh tế chưa nhiều, vì vậy các ngân hàng phải tạm thời giảm đi phần huy động vốn ngắn hạn, thay vào đó là tăng huy động nguồn vốn dài hạn.