Nhà, đất vùng ven tìm cách “tháo chốt” hút khách

Các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) cho biết việc di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn chưa được thông suốt, khách hàng chưa thể đến trực tiếp dự án nên thị trường rất khó để phục hồi nhanh.

Chủ đầu tư tìm mọi cách chiều khách

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Asian Holding, cho biết DN đã chuẩn bị khá kỹ cho việc hoạt động trở lại. Trước dịch, DN cũng đã mở bán, trong dịch vẫn tuyển nhân viên kinh doanh để đào tạo. Tiếp đó, đơn vị tập trung vào truyền thông, giới thiệu sản phẩm online.

Hiện nay, các tỉnh vẫn chưa cho di chuyển tự do nên DN không thể đưa khách hàng đến thực tế dự án. Trong thời gian này, các chủ đầu tư đều tổ chức bán hàng online, sử dụng công nghệ để chuyển tải hình ảnh vị trí thực tế dự án, sản phẩm đến cho khách hàng.

 Các dự án vùng ven vẫn nỗ lực tiếp cận khách hàng thông qua
kênh giao dịch online. Ảnh: QUANG HUY

“Cho khách hàng đặt cọc linh hoạt, chiều theo yêu cầu của khách là giải pháp lúc này. Thay vì khách phải đặt cọc giá trị cao 50-100 triệu đồng/sản phẩm như trước đây thì giờ chỉ cần đặt 20 triệu đồng/sản phẩm. Thời gian công chứng sang nhượng sau khi đặt cọc sẽ cam kết dựa trên tình hình dịch bệnh các tỉnh, thành nơi khách hàng lưu trú, tình hình dịch tại nơi dự án… Công ty không ép mà tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách” - ông Hậu chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở Đồng Nai, cho biết hiện nay việc đi lại của người dân đã được nới lỏng hơn, tuy nhiên trong lĩnh vực BĐS để tổ chức xe đưa hàng trăm khách đi thực tế dự án là không dễ. Vì vậy, hiện nay sàn vẫn chủ yếu khai thác khách nội tỉnh. Riêng khách TP.HCM và các tỉnh, thành khác vẫn chủ yếu giới thiệu dự án qua livestream, video, Google Map…

“Dù dịch bệnh nhưng khách hàng mới quan tâm đến các dự án vùng ven, đặc biệt là đất nền, nhà phố rất nhiều. Đợi khi giao thông thuận lợi, dịch được khống chế, chắc chắn thị trường sẽ nhanh sôi động trở lại” - ông Cường lạc quan.

Khách vẫn đổ về vùng ven

Dự đoán tình hình những tháng tới, ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng nhiều khả năng kịch bản sẽ tích cực trong hai tháng 11, 12 -2021 và tháng 1-2022 sẽ nhích nhẹ theo hướng đi lên. Phải đến quý II-2022, khi độ phủ vaccine rộng hơn, nhiều dự án đầu tư công được giải ngân thì BĐS mới phục hồi, phát triển trở lại.

Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cũng cho rằng việc phục hồi thị trường vệ tinh lân cận TP.HCM cần có thời gian. Trong dài hạn, 10-20 năm tới sẽ là thời kỳ của BĐS vệ tinh. Lý do là mặt bằng giá cả tại các TP trung tâm đã cao một cách bất hợp lý. Nếu cộng thêm đà tăng giá từ trước đến nay thì cơ hội sở hữu nhà ở trung tâm là rất khó. Với mức chênh giá bất hợp lý như vậy thì nhiều người sẽ sẵn sàng đi xa hơn để an cư hoặc có thêm căn nhà thứ hai.

“Lý do thứ hai, thập niên kế tiếp là thập niên của ô tô. Tầng lớp trung lưu của TP.HCM sẵn sàng đi xa, đến một nơi có khoảng cách xa hơn để sinh sống. Chưa kể các địa phương vệ tinh đều đang có nhiều biện pháp để thúc đẩy kinh tế, mạng lưới giao thông, tiện ích, thu hút đầu tư” - ông Chánh phân tích.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, nhận định hiện nay quỹ đất khu vực trung tâm đã cạn, nhà đầu tư phần lớn dịch chuyển ra các tỉnh vùng ven để đón đầu xu hướng giãn dân. Sự xuất hiện của các đại đô thị vệ tinh ở vùng ven do những tập đoàn lớn phát triển cũng thu hút người mua đổ về các thị trường này. Họ mua vừa để đầu tư vừa để tích lũy và đón đầu thời điểm đô thị hóa trong vài năm tới.

Ông Tuấn dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường các tỉnh vùng ven sẽ phục hồi theo hướng tăng dần từng bước. Đến khoảng tháng 12-2021, mức độ quan tâm tìm mua có thể trở lại như trước thời điểm dịch.•

 

Nhu cầu mua đất nền các tỉnh phía Nam tăng

Được mệnh danh là kênh đầu tư vua, ngay cả trong thời điểm thị trường ngủ đông yên ắng nhất, đất nền, nhà phố vẫn không giảm mức độ quan tâm tìm mua từ giới đầu tư và cả người ở thực. Theo báo cáo quý III-2021 của batdongsan.com.vn, xét từ giai đoạn giữa tháng 9 đến nay, khi các tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, nhiều phân khúc còn loay hoay tìm hướng phục hồi thì độ quan tâm tìm kiếm đất nền đã bật tăng trở lại.

Mức độ quan tâm đất nền tại thị trường phía Nam trong tháng 9 tăng hơn 22% so với tháng 8. Khu vực TP.HCM, trong khi nhà phố, nhà riêng, biệt thự liền kề vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, đất nền lại ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng hơn 12%. Đây cũng là phân khúc ghi nhận nhu cầu mua tăng cao nhất trong cả quý vừa qua. Ở các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, nhu cầu tìm mua đất nền cũng đều tăng trung bình 30%.

Giá bán đất nền cũng tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng liên tục trong thời gian vừa qua. Theo đó, giá đất nền tại Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng thêm 7% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi giá rao bán đất nền tại Long An cũng tiếp tục tăng hơn 3%. Một số địa phương như Bình Thuận, Lâm Đồng, Cần Thơ cũng ghi nhận mức giá rao bán đất nền tăng nhẹ 1%-2% hoặc đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.